Kỳ vọng thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm trong thời gian tới

Theo các chuyên gia, xu hướng trung hạn tiếp tục là tích cực do thị trường đang trong sóng tăng 5 với mục tiêu trên lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm dự kiến sẽ đạt được vào đầu tháng 4/2021.

Phiên giao dịch ngày 25/2, VN-Index, với tâm lý ổn định trở lại trước thông tin FED chính thức không tăng lãi suất cho đến khi lạm phát đạt ngưỡng 2%. Thị trường giằng co trong cả phiên với sắc xanh và sắc đỏ đan xen nhau nhưng lực cầu xuất hiện về cuối phiên đã giúp thị trường kết phiên trong sắc xanh nhẹ.

VJC là cổ phiếu nổi bật nhất trong nhóm VN30, khi được đẩy lên về cuối phiên và kết phiên ở mức tăng 2.4%. Tiếp sau VJC là 3 cổ phiếu lớn trong ngành bán lẻ gồm PNJ (+1,4%), MWG (+1,4%) và PLX (+1,9%) cùng tăng khá. Ngoài ra, trong nhóm tăng giá có mặt thêm các trụ cột khác của thị trường như VIC (+0,6%), VCB (+0,1%), VRE (+0,1%) hay GAS (+1,2%). Ở chiều giảm, nhìn chung là mức giảm không lớn khiến chỉ số VN30 không thể tăng mạnh.

Nhóm ngân hàng quay lại sắc xanh trong những phút cuối phiên chiều, dù vẫn có phân hóa. VCB (+0,1%) vẫn tăng, nhưng mức tăng rất nhẹ, 2 trụ cột khác là CTG (-0,5%) và BID (-0,2%) vẫn giảm. ACB là mã đáng chú ý nhất trong nhóm này, khi tăng tới 3,8% lên 32,400 đồng (cổ phiếu này tăng chỉ sau khi bước vào phiên chiều chừng 30 phút).

Thị trường giằng co trong cả phiên 25/2 với sắc xanh và sắc đỏ đan xen nhau.
Thị trường giằng co trong cả phiên 25/2 với sắc xanh và sắc đỏ đan xen nhau

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/2, trên sàn HOSE, chỉ số VN-Index tăng 3,42 điểm (+0,29%), lên 1.165,43 điểm với 220 mã tăng và 214 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 510,4 triệu đơn vị, giá trị 13.350,9 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên giao dịch ngày 24/2.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index, ngay đầu phiên đã tăng điểm nhờ các cổ phiếu chiếm trọng số lớn, thời gian còn lại trong phiên tăng điểm tới trên 3%. Các mã khiến chỉ số tăng mạnh nhất bao gồm: THD (+9,99%), VCS (+2,29%), PVS (+3,21%), DTK (+1,72%), PVI (+1,88%), MBS (+2,73%),…

Đóng cửa, sàn HNX có 103 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index tăng 8,31 điểm (+3,5%), lên 246,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 113,3 triệu đơn vị, giá trị 1.868,5 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index yếu đi trong phiên chiều, thậm chí có thời điểm đã rơi xuống tham chiếu, trước khi tăng trở lại vào cuối phiên. Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,34%), lên 76,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,9 triệu đơn vị, giá trị 504,6 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 25/2, khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng giá trị bán ròng trên HOSE là 460,8 tỷ đồng, trong đó: tổng mua 748,1 tỷ đồng; tổng bán 1208,9 tỷ đồng.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), VN-Index vẫn đang nằm trong nhịp tích lũy tại vùng 1,160-1,200 điểm. Dòng tiền đầu chảy vào thị trường khi có 15/19 ngành tăng điểm. Thanh khoản suy giảm so với phiên trước, biên độ thị trường thu hẹp và độ rộng thị trường tích cực cho thấy tâm lý các nhà đầu tư đang ổn định lại. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên hai sàn HSX trong khi mua ròng tại sàn HNX.

“Các nhà đầu tư trung và dài hạn có thể mở vị thế ở một số cổ phiếu cơ bản tốt trong nhịp tích lũy ngắn hạn này. Các hợp đồng tương lai đều tăng theo chỉ số cơ sở. Nhà đầu tư có thể cân nhắc những nhịp canh mua cho các hợp đồng dài hạn”, BSC khuyến nghị.

Còn theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường hồi phục nhẹ trong phiên 25/2 với thanh khoản suy giảm so với phiên trước đó cho thấy lực cầu mua lên là không thực sự mạnh, mức tăng có được chủ yếu do hoạt động giảm bán từ nhà đầu tư.

Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn tiếp tục là tích cực do thị trường đang trong sóng tăng 5 với target trên lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm dự kiến sẽ đạt được vào đầu tháng 4/2021. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ có biến động mạnh do phiên tới là phiên cuối tuần và cũng là ngày cơ cấu danh mục cuối cùng của quỹ iShare MSCI Frontier 100 ETF.

“Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.120-1.125 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy quanh vùng đỉnh”, chuyên gia SHS nhận định./.