Categories Doanh nghiệp

Kỳ 1: Khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản

Thiếu vốn, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng “cái khó bó cái khôn”, mọi kế hoạch hay đều phải gác lại thay vào đó “giật gấu vá vai” chọn nhiều giải pháp tình thế cấp bách, thậm chí nhiều doanh nghiệp đi vay lãi cao để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này đã gây áp lực rất lớn cho các doanh nghhiệp. Câu chuyện giải cứu doanh nghiệp đang được đặt ra hết sức cấp bách, nếu không nền kinh tế sẽ mất đi hiệu quả, mất đi cơ hội, mất thời cơ.

Mới đây, một công ty từng có tiếng trong ngành Thủy sản tuyên bố sẽ làm thủ tục phá sản. Thiếu vốn được xem là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng đơn vị này bê bết như hiện nay. Câu chuyện doanh nghiệp Việt thiếu vốn có lẽ không phải mới mẻ gì, cộng với sau 2, 3 năm trải qua dịch bệnh, vấn đề này được xem là nan giải hiện nay.

Doanh nghiệp kiệt quệ, phá sản

Mới đây, CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cadovimex (UPCoM: CAD) vừa thông báo về việc đang dự tính sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý để mở thủ tục phá sản cho Công ty. 6 tháng đầu năm 2022, mức lỗ lũy kế của Cadovimex đã lên 1.441 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế này đã khiến vốn chủ sở hữu âm tới 1.246 tỷ đồng.

Thiếu vốn trầm trọng, Cadovimex buộc phụ thuộc phần lớn các khoản vay ngân hàng. Trong năm 2008, khoản vay và nợ thuê tài chính lên tới gần 500 tỷ đồng, tăng 200 tỷ so với cuối năm trước và chiếm 50% tổng tài sản của Công ty. Đây cũng là lúc khởi đầu cho mọi rắc rối của Công ty về sau. Năm 2009, lãi suất tăng mạnh gây áp lực lãi vay lên Cadovimex.

Trước gánh nặng chi phí lãi vay, Công ty phải giảm bớt xuất khẩu, tự xoay xở kinh doanh bằng nguồn thu hạn hẹp từ cho thuê các dịch vụ xuất khẩu, nhận gia công thuê cho các đơn vị trong ngành. Điều này càng khiến quy mô hoạt động của Cadovimex thu hẹp.

Đánh giá riêng về năm 2021, ban lãnh đạo Công ty cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào nguồn vốn vay, tuy nhiên các tổ chức tín dụng đã dừng cho vay từ tháng 8/2015 khiến Công ty không có vốn thu mua, sản xuất, chỉ hoạt động chủ yếu từ các dịch vụ cho thuê kho, thuế code và nhận hàng gia công thuê cho các đơn vị cùng ngành nhằm duy trì để trả lương cho công nhân.

Khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp đứng trước  nguy cơ phá sản
Phất lên từ sản xuất cá tra, một doanh nghiệp từng có tiếng trong ngành Thủy sản sắp tuyên bố phá sản

Theo Cadovimex, các khoản đầu tư của các cổ đông không chỉ hoàn toàn mất trắng mà còn gánh chịu một khoản nợ phải trả cực kỳ lớn ở trên.

“Công ty phải vay tiền của cổ đông để phục vụ sản xuất kinh doanh và đang trong quá trình thực hiện tìm kiếm nguồn lực mới và nhà đầu tư tiềm năng với hy vọng hồi sinh”, Cadovimex cho biết thêm.

Đây là kết quả đáng buồn với Cadovimex, từ một doanh nghiệp thủy sản có doanh thu ngàn tỷ, Cadovimex bỗng dưng lụi tàn đến nỗi sắp phá sản với núi nợ chồng chất. Câu chuyện khó khăn của Cadovimex đã kéo dài 14 năm từ đợt khủng hoảng năm 2008. Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Công ty đứng trước nguy cơ phá sản như hiện nay, trong đó nguyên nhân thiếu vốn được xem là khó khăn nhất.

Việc doanh nghiệp Việt thiếu vốn, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh có lẽ cũng không phải chuyện hiếm gặp, mà đã xuất hiện khá nhiều trong thời gian vừa qua.

Ngay tại thời điểm này, doanh nghiệp thiếu vốn lại một lần nữa nóng lên khi mà 2, 3 năm qua thế giới đã trải qua đại dịch Covid, câu chuyện thiếu vốn lại càng nóng hơn bao giờ hết, bởi khó khăn cũ, mới cộng lại đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Bên cạnh đó, càng về cuối năm, nhu cầu vốn để phục sản xuất kinh doanh ngày càng thêm khó khăn.

Doanh nghiệp đứng trước nhiều nguy cơ

Chia sẻ về vấn đề thiếu vốn, ông Bùi Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vina Electric cho biết, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong đó có 2 khó khăn lớn nhất. Đó là thiếu vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành công nghiệp gặp khó khăn. Hai là, việc đầu tư các công nghệ, thiết bị mới, hiện đại đòi hỏi chi phí lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được.

Khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp đứng trước  nguy cơ phá sản
Thời điểm này vốn vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp

Tại tọa đàm mới đây, ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC cũng cho biết: “CMC là một Tập đoàn lớn, việc tiếp cận nguồn vốn không quá khó khăn, bản thân các ngân hàng cũng chăm sóc những doanh nghiệp lớn rất là tốt. Nhưng những công ty nhỏ là đối tác của Tập đoàn chúng tôi thì họ lại gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Đây cũng là khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay”.

Cũng theo ông Tùng, trong đợt dịch vừa qua nhiều công ty cũng đã tự xây dựng cho mình kế hoạch phát triển hơn, nhưng ngay sau đó họ không biêt dùng vốn ở đâu để tiếp tục thực hiện kế hoạch này.

“Hiện rất cần có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ để khai thông dòng tiền. Các doanh nghiệp vẫn rất cần hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các chương trình thúc đẩy khai thông nguốn vốn” – ông Tùng kiến nghị.

Đại diện một doanh nghiệp thực phẩm tại TP.HCM cũng cho biết, doanh nghiệp đang đối diện với nhiều thách thức từ giá nguyên, nhiên liệu tăng; thời điểm này vốn vẫn là thách thức lớn với doanh nghiệp.

Hiện cánh cửa vốn từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó, room tín dụng của các ngân hàng lại hạn chế, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hỗ trợ vốn trong mùa cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm. Hiện nay, các quy định về điều kiện vay vốn vẫn còn trở ngại đối với các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp này rất mong muốn, có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp…) để có thể tiếp cận nguồn vốn được dễ dàng hơn.

Theo báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nêu rõ, thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam. Nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản, bởi không có tiền trả lương cho người lao động, theo đó doanh nghiệp sẽ mất nguồn nhân lực.

Do đó, việc cần thiết lúc này là phải có các biện pháp kiểm soát mức tăng lạm phát một cách hợp lý để nới room tín dụng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nói trên.

“Nếu không sẽ xảy ra kịch bản trong năm tới là các doanh nghiệp này bị phá sản, không thể tồn tại được, kéo theo suy thoái kinh tế. Như vậy còn nguy hiểm hơn lạm phát” – Báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nêu rõ.

Theo Hải Phương/Lao động&Công đoàn

Print Friendly, PDF & Email