Kinh tế thế giới đang dần ‘gượng dậy’

 Kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn ứng phó với diễn biến và hậu quả của đại dịch COVID-19, trong khi các gói, biện pháp hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả đáng kể. Trong bối cảnh làn sóng thứ hai của đại dịch bùng phát và có thêm chuyển biến về nghiên cứu vaccine ở nhiều nước, nhiều nền kinh tế đang cân nhắc thận trọng tiến hành mở cửa trở lại và dần khôi phục hoạt động kinh tế.

Kinh tế thế giới tháng 9/2020 tiếp tục phục hồi so với tháng trước. Chỉ số PMI tổng hợp toàn cầu tháng 8/2020 đạt 52,4 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 3/2019 và tăng mạnh từ mức 50,4 điểm trong tháng 7/2020. Hoạt động các ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh ở các nước như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Brazil và Nga.

Báo cáo mới nhất của OECD dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 4,5% trong năm nay và tăng trưởng trở lại ở mức 5% vào năm 2021. Dự báo này lạc quan hơn so với dự báo tại thời điểm tháng 6/2020 (dự báo GDP toàn cầu giảm 6% vào năm 2020 và phục hồi tăng trưởng 5,2% vào năm 2021). Tuy nhiên, ngay cả triển vọng này cũng chưa thật vững chắc, do đại dịch COVID-19 còn gây ra nhiều thiệt hại đáng kể cho các nền kinh tế và xã hội trên toàn cầu.

Triển vọng tăng trưởng trong tương lai sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch mới, các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng, tác động của các chính sách tài khóa và tiền tệ, rủi ro nợ toàn cầu… Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15/9, tổng sản phẩm (GDP) khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, sau đó sẽ bật trở lại và đạt mức 6,8% trong năm 2021.

Kinh tế Mỹ tiếp tục dấu hiệu phục hồi trở lại trong quý III/2020. Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ tháng 8/2020 tăng mạnh lên 53,1 điểm so với 50,9 điểm trong tháng 7 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ có xu hướng giảm mạnh từ 11,1% trong tháng 6/2020 xuống còn 10,2% trong tháng 7/2020 và 8,4% trong tháng 8/2020. Theo dự báo của The Conference Board (9/2020), kinh tế Mỹ có thể phục hồi tăng trưởng mạnh vào quý III/2020 với tốc độ tăng 32,9%. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách của Mỹ đang có chiều hướng tăng cao do các khoản chi khổng lồ để kích thích nền kinh tế. Tính đến tháng 8/2020, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đã vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD và có thể sẽ tăng lên 3.300 tỷ USD khi năm tài khóa kết thúc – cao gấp đôi so với mức thâm hụt 1.400 tỷ USD trong năm tài khóa 2009 khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Khu vực châu Âu cho thấy dấu hiệu phục hồi chậm hơn. Chỉ số PMI tổng hợp của khu vực Eurozone trong tháng 8/2020 tiếp tục ở mức trên 50 điểm (51,9 điểm), thấp hơn đáng kể so với mức 54,9 điểm của tháng trước đó. Chỉ số PMI của tất cả các nền kinh tế lớn thuộc khu vực này cũng cho thấy mức giảm so với cùng kỳ tháng trước, cụ thể: Pháp 51,6 điểm (tháng 7 là 57,3 điểm), Đức 54,4 điểm (tháng 7 là 55,3 điểm); Tây Ban Nha giảm xuống chỉ còn 48,4 điểm trong khi tháng 7 là 52,8 điểm; Italy 49,5 điểm so với 52,5 điểm của tháng trước đó…

Kinh tế Nhật Bản phục hồi nhẹ song vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ số PMI sản xuất của Nhật Bản trong tháng 8/2020 đạt 47,2 điểm, tăng so với mức 45,2 điểm của tháng 7/2020 nhưng cho thấy sản xuất vẫn chịu áp lực trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra. Thặng dư thương mại cũng tăng lên mức 248,3 tỷ yen trong tháng 8/2020 từ mức 10,9 tỷ yen trong tháng 7/2020 (trong khi cùng kỳ năm trước thâm hụt 152,2 tỷ yen). Đây là lần thặng dư thứ hai trong vòng 5 tháng trở lại đây, trong đó, nhập khẩu giảm 20,8% xuống 4,98 nghìn tỷ yen và xuất khẩu giảm 14,8% xuống 5,23 nghìn tỷ yen (chủ yếu giảm ở thị trường Mỹ và Tây Âu). Mặt khác, chi tiêu hộ gia đình là thước đo chính của tiêu dùng tư nhân và đóng góp hơn một nửa GDP của Nhật Bản trong tháng 7/2020 giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Kinh tế Hàn Quốc có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số PMI sản xuất của Hàn Quốc tăng lên 48,5 điểm trong tháng 8/2020 từ mức 46,9 điểm của tháng 7/2020. Thặng dư thương mại tăng lên 4,12 tỷ USD tháng 8/2020 từ 1,56 tỷ USD trong tháng 7/2020. Sau khi điều chỉnh, GDP của Hàn Quốc trong quý II/2020 giảm 3,2% so với quý trước đó, là tỷ lệ giảm hàng quý lớn nhất kể từ quý IV/2008. Sự sụt giảm xuất khẩu hàng hóa được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm kinh tế (giảm 16,1% trong quý II/2020), do nhu cầu thị trường nước ngoài đối với ô tô và điện thoại di động giảm mạnh.

Kinh tế Trung Quốc có những tín hiệu tích cực hơn sau tác động nghiêm trọng của trận mưa lũ lịch sử. Sản lượng công nghiệp tháng 8/2020 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng mạnh nhất trong 8 tháng đầu năm 2020. Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó đáng chú ý xuất khẩu tăng 11,6% và nhập khẩu giảm 0,5%. Doanh số bán lẻ tháng 8/2020 tăng 0,5%, chấm dứt đà giảm kéo dài 7 tháng. Chỉ số CPI của Trung Quốc tăng 2,4% trong tháng 8/2020. Chỉ số PMI tổng hợp là 54,5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 7. Trong khi đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng – một động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc – giảm 1% trong giai đoạn từ tháng 1-8/2020. Tỉ lệ thất nghiệp tháng 8/2020 ở mức 5,6%, thấp hơn 0,1 điểm % so với tháng 7/2020.

Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu tiếp tục dấu hiệu phục hồi từ tháng 7/2020 khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng và các nhà đầu tư trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng đã nối lại các kế hoạch đầu tư một cách thận trọng. Chỉ số fDi – chỉ số theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài toàn cầu – đạt 795 điểm trong tháng 7/2020, tăng nhẹ so với tháng trước và cao hơn 81% so với mức thấp kỷ lục 439 vào tháng 4/2020. Mặc dù chỉ số này vẫn thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đang có xu hướng quay trở lại mức trước đại dịch. Xu hướng tăng đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng khi các nhà bán lẻ và thương hiệu lớn bắt đầu nối lại lại các chiến dịch đầu tư.

Thị trường tài chính tiền tệ thế giới tháng 9 đã ổn định hơn. Phần lớn các quyết định được đưa ra đều hướng tới việc phục hồi kinh tế thay vì đối phó với khủng hoảng từ đại dịch COVID-19. Cục Dự trữ liên bang quốc gia Mỹ tuyên bố sẽ đưa ra điều chỉnh lãi suất nhẹ sau khi chấp nhận lạm phát dao động trên ngưỡng mục tiêu 2%. Điều này buộc các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia (bao gồm cả châu Âu và Anh) có chính sách nới lỏng tương tự, tác động của đồng USD yếu hơn so với đồng nội tệ có thể đe dọa khả năng phục hồi kinh tế.

Theo An Bình/baochinhphu.vn

Print Friendly, PDF & Email