Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiến nghị đưa các hình thức kinh doanh qua mạng xã hội Facebook phải được quản lý như đối với website thương mại điện tử, buộc phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước.
Qua tổng hợp các vụ việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường Hà Nội ghi nhận các khiếu nại của khách hàng chủ yếu liên quan đến việc khách hàng đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, dịch vụ, hoặc sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hoặc bị mất thông tin cá nhân của chủ tài khoản.
Các sản phẩm, dịch vụ mà người tiêu dùng khi được chào bán, giới thiệu chấp nhận đặt mua trên website thương mại điện tử có thể không hoàn toàn giống với sản phẩm, dịch vụ được cung cấp trên thực tế, điều này rất dễ gây mất niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là phản ánh có tỷ lệ cao.
Việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” không đơn giản. Các trang web thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, chung cư…
Một số cá nhân, tổ chức đăng ký website thuê máy chủ đặt tại nước ngoài nên việc xử lý vi phạm, thu hồi tên miền càng khó khăn và không khả thi.
Về vấn đề thông tin cá nhân, rất nhiều người tiêu dùng bức xúc khi tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ của họ có thể bị các doanh nghiệp sử dụng phương thức thương mại điện tử cung cấp cho bên thứ ba, gây ảnh hưởng đến sự an toàn và bảo mật thông tin của khách hàng.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng cần hoàn thiện, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội đề xuất đưa các hình thức kinh doanh qua mạng xã hội như Facebook, sử dụng ứng dụng cho các thiết bị công nghệ di động thông minh Zalo, Viber… vào quản lý như đối với website thương mại điện tử, buộc phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với website thương mại điện tử vi phạm, cần có biện pháp kiên quyết buộc tổ chức, cá nhân chủ sở hữu gỡ bỏ các thông tin vi phạm hoặc kiến nghị tổ chức quản lý, cung cấp dịch vụ thu hồi vĩnh viễn tên miền, gian hàng vi phạm.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các văn bản đã ban hành. Đặc biệt, trong quá trình triển khai cần chú ý đến các hoạt động hướng dẫn, phổ biến để mọi người hiểu đúng chính sách và thực hiện tốt.
Các cơ quan như Tổng cục Quản lý thị trường cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, các nhà mạng và ngân hàng cùng quản lý, giám sát thông tin, số lượng, chủng loại hàng hóa, doanh thu của người kinh doanh để xác định có hay không hành vi vi phạm về hoạt động thương mại điện tử.
Phối hợp với cơ quan quản lý thuế thường xuyên thanh tra, giám sát các hoạt động này tại các ngân hàng, các điểm dịch vụ chuyển phát hàng hóa các trang điện tử mua bán trực tuyến để tránh tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đề nghị cần đẩy mạnh phối hợp với cơ quan quản lý của các nước trong khu vực và trên thế giới để xây dựng khung đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ hạ tầng thông tin trọng yếu, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi tham gia thương mại điện tử. Ngoài ra, hợp tác giữa các tổ chức xây dựng chuẩn quốc tế, các chính phủ liên quan tới an ninh mạng nhằm xây dựng văn hóa an ninh mạng, các tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh báo và phản ứng nhanh trước các vấn đề an ninh mạng.
Theo Nguyên Đức/TGTTO