Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh loại hình dự án căn hộ du lịch (condotel).
Theo HoREA, Việt Nam hiện có khoảng 82.900 căn hộ du lịch, 28.100 biệt thự du lịch, 15.660 nhà phố du lịch, tập trung chủ yếu ở các địa phương có thế mạnh về du lịch như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ninh… Với tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án này lên tới 100.000 tỷ đồng. Kể từ thời điểm bắt đầu hình thành ở Việt Nam hồi năm 2008, các chủ đầu tư dự án condotel chỉ huy động vốn đầu tư tài chính của các nhà đầu tư để thực hiện dự án, phân chia lợi nhuận theo lợi nhuận, rủi ro và vốn góp. Từ năm 2014 đến nay, đã xuất hiện phương thức chủ đầu tư dự án căn hộ du lịch huy động vốn, bán căn hộ hình thành trong tương lai cho khách hàng cũng là nhà đầu tư thứ cấp, trong điều kiện Nhà nước chưa hoàn chỉnh khung pháp lý để điều chỉnh loại hình dự án này.
HoREA chỉ ra nhiều mặt hạn chế, bất cập của loại hình này, đã có tình trạng phát triển nóng các dự án condotel trong thời gian qua, nhưng chưa thật sự đảm bảo tính minh bạch, ổn định và bền vững. Hiện nay đã xuất hiện dấu hiệu “cung” vượt “cầu” căn condotel, đã xuất hiện hiện tượng cá nhân nước ngoài “nấp bóng, mua chui” bất động sản tại một số vị trí “nhạy cảm”, nhất là khu vực ven biển. Bên cạnh đó, chưa xây dựng hoàn chỉnh khung pháp lý để tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh condotel.
Về việc cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình không phải là nhà ở” (sổ đỏ), HoREA cho rằng, lẽ ra phải cấp sổ đỏ theo thời hạn của dự án, theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, do thiếu hướng dẫn, thiếu kiểm soát và có tình trạng một số địa phương vượt rào cấp sổ đỏ đất ở không hình thành đơn vị ở cho condotel, trái quy định pháp luật.
Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các địa phương cấp sổ đỏ cho condotel, nhưng cho đến nay, khách hàng mua condotel vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Chính vì vậy, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, hiệp hội thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cấp “sổ đỏ” có thời hạn cho condotel. Căn cứ các văn bản quy định pháp luật, hiệp hội đề nghị cấp sổ đỏ có thời hạn theo thời hạn của dự án cho “khách hàng – nhà đầu tư thứ cấp”, là người mua “biệt thự du lịch, căn hộ du lịch” và cả “nhà phố du lịch”, do Công văn 703/BTNMT-TCQLĐĐ của Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ hướng dẫn cấp sổ đỏ cho “biệt thự du lịch, căn hộ du lịch”, không có “nhà phố du lịch”.
“Về quy trình thủ tục, trước hết, chủ đầu tư dự án condotel xin cấp sổ đỏ condotel cho chủ đầu tư. Sau khi thực hiện hợp đồng mua bán condotel, chủ đầu tư làm tiếp thủ tục chuyển tên trên sổ đỏ cho nhà đầu tư thứ cấp. Khi hết thời hạn sử dụng đất thì được gia hạn nếu có nhu cầu, theo quy định của pháp luật đất đai”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
Hiệp hội đề nghị xem xét, giải quyết có lý có tình đối với các trường hợp khách hàng mua condotel trước đây và đã được cấp sổ đỏ đất ở ổn định lâu dài không hình thành đơn vị ở, nhưng nay bị thu hồi và được cấp lại sổ đỏ có thời hạn theo thời hạn của dự án. Hiệp hội đề nghị xem xét tính thời hạn sử dụng đất cho khách hàng mua condotel kể từ ngày dự án có quyết định giao đất, để khách hàng đỡ bị thiệt thòi.
Mới đây, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý nhà nước đối với condotel, từ khâu quy hoạch dự án, cấp phép sử dụng đất, cấp phép xây dựng, đến quản lý kinh doanh, vận hành và quản lý cư trú. Ông Lê Hoàng Châu tán thành kiến nghị của Bộ Công an, đồng thời cho rằng có những khu vực đã được quy hoạch phát triển du lịch, nhưng nay không còn phù hợp nữa, thì vẫn có thể được xem xét điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sang mục đích sử dụng đất khác. Công tác điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo đúng pháp luật, có căn cứ khoa học, thực tiễn và phải tuân thủ quy trình xét duyệt chặt chẽ.
Ngoài ra, theo HoREA, Thông tư 21 của Bộ Xây dựng giải thích “căn hộ lưu trú (condotel)” là căn hộ nằm trong khu nhà chung cư hỗn hợp, chưa phản ánh đúng thực tế và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, chủ yếu trong khu vực đô thị. Hiện nay, đa số căn hộ du lịch nằm gọn trong tòa nhà cao tầng độc lập thuộc các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng. Do Thông tư 21 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, không bao gồm các tòa nhà condotel độc lập trong dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, nên HoREA đề nghị Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật về căn hộ condotel trong các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng để thống nhất quản lý.
Theo Hải Yến/Thời báo Ngân hàng