Từ đầu năm đến nay, khối lượng thịt lợn nhập khẩu từ các quốc gia về Việt Nam khoảng 50 nghìn tấn, chủ yếu ở các nước như: Canada, Brazil, Đức, Ba Lan, Hoa Kỳ, và Liên bang Nga.
Việc nhập khẩu thịt lợn qua Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng được thực hiện ngắn nhất theo quy trình kiểm tra thủ tục “1 cửa 1 chất lượng” đảm bảo theo tiêu chuẩn Châu Âu; bao gồm các công đoạn như: xuất xứ, thông tin sản phẩm, hồ sơ nộp xin phép nhập khẩu, cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch.
Ông Đoàn Thành Lũy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 2 cho biết: 4 tháng đầu năm, nhập khẩu qua cửa khẩu và cảng biển Hải Phòng là 819 lô tương đương hơn 25 nghìn, tăng 325% gấp 3 lần.
Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc công ty xuất khẩu Hương Việt – một trong 21 doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối thịt lợn của Tập đoàn Miratorg của Liên bang Nga cho biết: Hiện nay, thói quen của người tiêu dùng vẫn quen dùng thịt nóng để chuyển sang sử dụng thịt đông lạnh cần có thời gian. Trong quá trình phân phối doanh nghiệp cũng giải thích với khách hàng về tiêu chuẩn chất lượng. Tại Việt Nam là kiểm dịch theo quy định, còn thịt lợn nhập khẩu cũng được thực hiện theo quy trình xuất khẩu và đạt tiêu chuẩn quốc tế, việc lựa chọn tiêu thụ sản phẩm vẫn chủ yếu là do người tiêu dùng.
Đến nay Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam. Tổng số doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu khoảng 788 doanh nghiệp, nhiều nhất là ở các quốc gia như: Hoa Kỳ, Italia, Tây Ban Nha, trong đó, từ đầu năm đến nay, có khoảng 108 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn. Liên bang Nga là quốc gia vừa được cấp phép xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam bắt đầu từ tháng 12 năm 2019.
Chỉ riêng khối lượng nhập khẩu thịt lợn từ Liên bang Nga sau hơn 3 tháng qua đã đạt khoảng 2 nghìn 400 tấn, trong đó Tập đoàn thịt lớn nhất nước Nga Miratorg là 2 nghìn 010 tấn. Giá thịt lợn trung bình nhập khẩu từ các quốc gia này về tới cảng Việt Nam vào khoảng 2,55 USD/kg, tương đương 60 nghìn đồng/kg, tùy loại sản phẩm. Như vậy, so với giá bán trong nước thì mức giá này đang hết sức cạnh tranh và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cao của Châu Âu.