“Khổ” với thủ tục hoàn thuế

Không chỉ các doanh nghiệp ngành xuất khẩu gỗ, lâm sản và chế biến sắn, hiện nay hàng trăm doanh nghiệp ngành cao su cũng đang gặp khó khăn lớn về tài chính do việc hoàn thuế giá trị gia tăng được ngành thuế triển khai quá chậm chạp.

Hàng trăm tỷ đồng tiền thuế chậm hoàn

Thông tin tại Hội thảo tháo gỡ khó khăn cho ngành cao su vừa được tổ chức tuần qua tại TP.HCM, ông Võ Hoài An, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp ngành cao su đang gặp khó khăn lớn về tài chính do số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng đáng ra đã phải được các cơ quan thuế địa phương hoàn lại từ những quý giữa năm, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận được.

Cụ thể, theo ông An, để được hoàn thuế giá trị gia tăng đã nộp trước đó, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin hoàn thuế, sau đó chờ cơ quan thuế các địa phương xác minh hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ nguồn gốc và hoàn thiện các thủ tục. Thông thường, thời gian xác minh tối đa 40 ngày từ khi doanh nghiệp nộp hồ sơ. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều phải chờ từ 4-9 tháng vẫn chưa có kết quả từ cơ quan thuế.

kho voi thu tuc hoan thue
Thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn đúng thời hạn ở nhiều doanh nghiệp lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Thành, Thành viên HĐQT Tập đoàn Cao su Việt Nam thông tin thêm, do chậm trễ của cơ quan thuế, hiện nay nhiều doanh nghiệp cao su bị “giam” từ 50-100 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 5 doanh nghiệp cao su lớn là thành viên Tập đoàn Cao su Việt Nam, số tiền thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn đã vào khoảng 290 tỷ đồng.

“Trong hoàn cảnh giá cao thu xuất khẩu đang ở mức thấp, các doanh nghiệp lại đang phải gồng mình trả lãi vay thì việc chậm hoàn thuế đang làm cho ngành cao su gặp khó khăn kép”, ông Thành nhận định.

Không chỉ các doanh nghiệp ngành cao su, từ đầu năm đến nay, hàng trăm doanh nghiệp ngành chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản và chế biến sắn cũng gặp khó khăn lớn do các vướng mắc về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, vừa qua hiệp hội này cũng đã phải gửi công văn khẩn đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng, nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng được hoàn thuế giá trị gia tăng tránh thiệt hại do tiền thuế được hoàn trả quá chậm chạp.

“Tính sơ bộ từ thành viên hiệp hội, đến nay có khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn lại. Trong đó, đa số các doanh nghiệp bị nợ hoàn thuế từ 40-50 tỷ đồng, có những doanh nghiệp lớn số thuế chưa được hoàn đúng hạn lên tới 150-200 tỷ đồng”, ông Lập thông tin.

Trước đó, thông tin từ Hiệp hội Sắn Việt Nam, trong các tháng giữa năm 2022, khi Tổng cục Thuế ban hành Công văn 632 (về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng tinh bột sắn), hàng trăm doanh nghiệp ngành này đã lâm vào tình trạng bị kẹt lại phần thuế đã tạm nộp từ đầu năm. Đến hiện nay, mặc dù đã bước sang quý cuối năm và sau nhiều lần đối thoại, nhưng việc kiểm tra xác minh nguồn gốc hàng hóa, tờ khai nhập khẩu của nhiều đơn vị thuế vẫn chưa hoàn thiện.

Cần loại bỏ các quy định cứng nhắc

Theo phân tích của một số đại lý thuế tại TP.HCM, nếu theo đúng các quy định hiện hành thì các doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, thời gian hoàn thuế tối đa là 40 ngày. Các doanh nghiệp xuất khẩu nếu đáp ứng được các điều kiện, như: có hợp đồng xuất khẩu, có tờ khai hải quan và có thực hiện thanh toán qua ngân hàng thì sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, việc chậm trễ trong hoàn thuế nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc, chồng chéo các quy trình kiểm ra, rà soát hồ sơ liên quan đến thu nhập chịu thuế.

Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp chế biến sắn bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng, nguyên nhân chính là do Tổng cục Thuế ban hành công văn về thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế giá trị gia tăng. Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3… đến khâu cuối cùng.

Theo các doanh nghiệp ngành sắn, quy định này là quy định cứng nhắc vì trước đây, vào năm 2013, Bộ Tài chính đã từng ban hành quy định “xác minh đến khâu cuối cùng” nhưng không thể thực hiện được nên sau đó đã sửa lại bằng Công văn 13706/2013 cho phép các cơ quan thuế địa phương chỉ cần xác minh với doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu để thực hiện hoàn thuế đúng quy định.

Đối với các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ, ông Đỗ Xuân Lập cũng cho rằng nguyên nhân chính của vướng mắc hoàn thuế nằm ở chỗ quy trình xác nhận nguồn gốc sản phẩm là quá cứng nhắc và gây khó cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Tổng cục Thuế yêu cầu xác minh nguồn gốc nguyên liệu tới tận chủ rừng. Trong đó yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm trên địa bàn hoặc UBND xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản.

“Điều này rõ ràng là rất khó thực hiện với các doanh nghiệp mua nguyên liệu từ nhiều nguồn rừng trồng. Đồng thời, Thông tư 27/2018 (về truy xuất nguồn gốc nông – lâm sản) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng không bắt buộc chặt chẽ đến vậy”, ông Lập cho biết.

Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong hoàn thuế giá trị gia tăng, theo Viforest và VRA, Bộ Tài chính cần gấp rút rà soát lại danh mục các sản phẩm có rủi ro về hoàn thuế giá trị gia tăng, từ đó loại ra các mặt hàng, sản phẩm hoặc các trường hợp đã có quy định không cần kiểm tra tận gốc.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại các văn bản hướng dẫn triển khai tại các cục thuế, cơ quan thuế địa phương để thống nhất cách thức triển khai quy trình kiểm tra; rà soát hồ sơ hoàn thuế; đồng thời đảm bảo các văn bản hướng dẫn thực thi giữa các bộ, ngành có nội hàm, đối tượng thống nhất, tránh tối đa tình trạng công văn của bộ này thì cho phép nhưng bộ khác không cho phép dẫn tới tình trạng chuyển qua chuyển lại giữa các cơ quan chức năng trong quá trình xác minh hồ sơ thuế, kéo dài thời gian hoàn thuế, gây khó về dòng tiền cho doanh nghiệp.

Theo Thạch Bình/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email