Categories Doanh nghiệp

Khó khăn “bủa vây” doanh nghiệp xuất khẩu điều

Xuất khẩu điều năm 2022 còn tiếp tục gặp khó khăn do giá cước tàu biển neo ở mức cao, giá điều nhân xuất khẩu không tăng kịp so với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu. Cùng với đó là lạm phát đang tăng cao ở một số nước nhập khẩu điều lớn, chi phí vận chuyển tăng…

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), hiện Trung Quốc vẫn đang duy trì nghiêm ngặt chính sách “Zero Covid”, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu vào nước này, thực hiện phun khử khuẩn và kiểm hóa 100% đối với hàng nông sản, hoa quả nhập khẩu; thường xuyên thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu. Chính vì vậy, để duy trì và thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu sang thị trường Trung Quốc nói chung đòi hỏi công tác kiểm soát dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu.

kho khan bua vay doanh nghiep xuat khau dieu
Hiện, ngành điều cũng đang đứng trước những thách thức về tiêu chuẩn kỹ thuật mới tại thị trường châu Âu, Mỹ.

Trong khi đó, ngành điều cũng đang đứng trước những thách thức về tiêu chuẩn kỹ thuật mới tại thị trường châu Âu, Mỹ. Các khách hàng châu Âu thường xuyên kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong nhân điều. Nhiều lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt đã bị từ chối do dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Còn tại thị trường Hoa Kỳ, do xung đột về các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng nên thường xảy ra những hiểu lầm và khiếu nại giữa các bên liên quan.

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cho ngành điều khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã kiến nghị điều chỉnh hạ mục tiêu giá trị xuất khẩu cả năm xuống 3,2 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2021. Như vậy, hiện ngành điều đã hoàn thành được 53% kế hoạch xuất khẩu năm 2022.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas, cho biết dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu điều khó khởi sắc bởi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, từ đầu năm đến nay, 3 thị trường tiêu thụ hạt điều lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan đều ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt 76.225 tấn, tương đương 440,65 triệu USD; giảm 8,7% về lượng, giảm 4,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 28.489 tấn, tương đương 180,89 triệu USD, giảm 27% về lượng, giảm 37,9% về kim ngạch và giảm 14,8% về giá. Thị trường Hà Lan giảm 20,5% về lượng và giảm 18,5% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021, đạt 26.735 tấn, tương đương 137,75 triệu USD.

Bàn về vấn đề này, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu điều năm 2022 còn tiếp tục gặp khó khăn do giá cước tàu biển neo ở mức cao, giá điều nhân xuất khẩu không tăng kịp so với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu. Cùng với đó là lạm phát đang tăng cao ở một số nước nhập khẩu điều lớn, chi phí vận chuyển tăng…

Trước thực trạng này, các bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành điều về các chính sách thuế, hải quan, tín dụng trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, Hiệp hội hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điều trong việc triển khai thực hiện các quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ.

Song quan trọng nhất, các doanh nghiệp chế biến điều cần lưu ý chất lượng phải là yếu tố tiên quyết khi xuất khẩu. Về lâu dài, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư vào công nghệ cao để chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị cho hạt điều xuất khẩu bền vững.

Theo Phương Nam/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email