Khai trương văn phòng hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương

Phụ nữ di cư trở về hiện nay chủ yếu thuộc 2 nhóm di cư lao động và di cư kết hôn, Phụ nữ di cư hồi hương gặp khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý

Sáng nay (2/10), tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo vận động chính sách Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và khai trương Văn phòng dịch vụ một điểm đến OSSO tại Hà Nội.

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm có hàng chục nghìn công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trên 90% là phụ nữ. Trong đó, tính đến năm ngoái, tổng số cuộc hôn nhân giữa chồng Hàn Quốc và vợ Việt Nam là hơn 100.000 cuộc, chiếm 23,57% tổng số cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài của Hàn Quốc trong khi đó, giai đoạn 2011 – 2019, lại có gần 14.000 vụ ly hôn giữa vợ Việt Nam và chồng Hàn Quốc…

Phụ nữ di cư hồi hương gặp nhiều khó khăn đa số liên quan đến thủ tục pháp lý (Ảnh minh họa).
Phụ nữ di cư hồi hương gặp nhiều khó khăn đa số liên quan đến thủ tục pháp lý (Ảnh minh họa)

Kết quả nghiên cứu ban đầu của dự án “Tăng cường năng lực của các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ vào tháng 7 năm nay cho thấy, 55,1% phụ nữ di cư kết hôn hồi hương đã ly hôn với chồng Hàn Quốc nhưng không có giấy tờ ly hôn có giá trị pháp lý khi trở về. Nghiên cứu chỉ ra các khó khăn của nhóm này gồm: không có thông tin của chồng nên không trích lục được bản án ly hôn, không thực hiện được ly hôn tại Việt Nam do không có ghi chú kết hôn hoặc họ không đủ chi phí đầy đủ thủ tục tại Hàn Quốc. Phụ nữ di cư trở về hiện nay chủ yếu thuộc 2 nhóm di cư lao động và di cư kết hôn, Phụ nữ di cư hồi hương gặp khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý, liên quan đến trẻ em đi cùng, về việc tìm kiếm cơ hội việc làm và tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, nhóm phụ nữ di cư hồi hương cần có sự tham gia của các cấp, các ngành hỗ trợ.

Tiến sĩ Lê Thị Tường Vân, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng: Cần xem xét điều chỉnh quy định về thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài để phù hợp với cuộc sống thực tế hiện nay, tăng cường tư pháp và tương trợ tư pháp. Hiện chúng ta chưa thỏa thuận và ký được hợp tác tương trợ về tư pháp nên các thủ tục về ủy thác trong ly hôn mất nhiều thời gian, cũng như tốn kém cho phụ nữ. Chúng tôi mong muốn phụ nữ di cư hồi hương phải trở thành đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí.

Trước thực tế này, bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, dự án lần này thành lập và vận hành mô hình phòng dịch vụ một điểm đến OSSO tại 5 tỉnh gồm: Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hậu Giang và Cần Thơ. Văn phòng OSSO sẽ do Trung ương Hội và Hội liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm vận hành nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ tiếp cận các dịch vụ cần thiết như y tế, pháp lý, tâm lý, giáo dục, dạy nghề chăm sóc và nuôi dạy con. Nâng cao năng lực toàn diện cho phụ nữ di cư, cung cấp thông tin cần thiết cho phụ nữ di cư, kết nối giữa phụ nữ di cư với các sở ngành, địa phương, và các tổ chức để họ có thể tiếp cận tốt hơn những chính sách thông qua các dịch vụ đó.

Bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh: Ngoài các hoạt động của dự án, mong muốn của chúng toi là phụ nữ Việt Nam được tiếp cận với những thông tin chính thống về pháp luật, những thủ tục cần thiết về văn hóa của những nước mà phụ nữ sẽ kết hôn, điểm đến của kết hôn để khi họ quyết định kết hôn là những quyết định chắc chắn và đúng đắn Đây cũng là cái chúng tôi cung cấp tới cho phụ nữ, điểm đến của dự án.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về thách thức trong quá trình thực hiện các hoạt động dự án, nhất là cơ chế phối hợp và vai trò, sự tham gia của các cơ quan, bộ, sở, ngành liên quan trong quá trình vận hành Văn phòng dịch vụ một điểm đến OSSO. Qua đó, các cơ quan liên quan cùng với tổ chức Hội sẽ xây dựng, đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ.

Dịp này, Ban tổ chức Khai trương Văn phòng dịch vụ một điểm đến OSSO tại Trung tâm phụ nữ và phát triển số 20 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ – Hà Nội./.

Theo Phương Thoa/VOV1