Thời gian qua, nhiều loại nông sản, hàng hóa Việt Nam xuất ngoại nhờ hệ thống phân phối nước ngoài, mở ra kênh xuất khẩu hàng Việt Nam hiệu quả. Tuy nhiên, để hàng Việt đứng chân bền vững và vươn tới nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, phân phối, tiêu thụ và trọng tâm là nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Bệ đỡ” để hàng Việt Nam xuất ngoại
Những ngày giữa tháng 9 vừa qua, “Tuần hàng Việt Nam” đã được Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tại siêu thị lớn nhất của Aeon ở tỉnh Saitama (Nhật Bản). Năm nay, hàng hóa Việt Nam được trưng bày đa dạng, gồm nhóm hàng trái cây tươi, thực phẩm chế biến, may mặc, tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ… Từ năm 2016 đến nay, sự kiện thường niên này được Bộ Công Thương và Tập đoàn Aeon tổ chức, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào hệ thống Aeon đạt 500 triệu USD năm 2020 và tăng lên 1 tỷ USD vào năm 2025.
Lãnh đạo Aeon Việt Nam khẳng định, Aeon sẵn sàng làm “bệ đỡ” cho hàng Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Bằng chứng là riêng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống Aeon đạt khoảng 370 triệu USD. Có hệ thống bán lẻ với 16.498 trung tâm, cửa hàng tại Nhật Bản và các nước, Aeon hứa hẹn là “cửa ra” hiệu quả cho hàng Việt Nam.
Tương tự, theo đại diện Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (Tập đoàn TCC – Thái Lan), ngoài các mặt hàng rau, củ, quả được xuất khẩu ổn định sang Thái Lan và Singapore, nhà phân phối ngoại này cũng đa dạng hóa sản phẩm thủy, hải sản xuất khẩu đến những thị trường mới như Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc). Qua đó, sản lượng xuất khẩu của MM Mega Market Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Sau hơn 2 năm nỗ lực đưa nông sản Việt Nam ra nước ngoài, MM Mega Market Việt Nam đã đạt tổng lượng xuất khẩu hơn 3.000 tấn, ngay cả khi gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19 trong năm 2020 này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: “Bên cạnh việc phát triển hiệu quả hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Wall Mart, Aeon, Central Retail, Lotte và MM Mega Market… còn là kênh xuất khẩu trực tiếp hữu hiệu, bền vững, đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may… đến tay hàng triệu người tiêu dùng trên thế giới thông qua các hệ thống phân phối ở nước ngoài”.
Nâng chất lượng, mở rộng thị trường
Các nhà bán lẻ nước ngoài khẳng định, Việt Nam có nhiều sản phẩm tiêu dùng được người nước ngoài ưa thích. Tuy nhiên, theo Giám đốc Thu mua và Xuất khẩu (Tập đoàn Central Retail – Thái Lan) Karim Noui, tập đoàn luôn tuân thủ tôn chỉ về chất lượng, bởi thế đây là tiêu chuẩn hàng đầu khi xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.
Tương tự, Trưởng phòng phụ trách xuất khẩu (Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam) Trần Chí Cường cho biết, vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành là tiêu chí quan trọng trong việc đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng để sản phẩm vừa bảo đảm chất lượng, vừa có giá thành cạnh tranh.
Có thể thấy, để đưa hàng Việt Nam tới các siêu thị quốc tế, doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ và trọng tâm là đáp ứng các quy định khắt khe về kiểm tra chất lượng, xác định nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất… Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) Đỗ Thị Kim Thông chia sẻ: “Để tiếp cận các nhà phân phối lớn, từ đó đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài chúng tôi phải đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, các ngành chức năng đã hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời kết nối doanh nghiệp với hệ thống phân phối ngoại. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn về phương pháp quản trị hiện đại, đào tạo thiết kế, quảng bá thương hiệu, truy xuất nguồn gốc… qua đó giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
Đối với Bộ Công Thương, các đơn vị chức năng đã làm việc với nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài để đưa hàng Việt Nam vào hệ thống bán lẻ toàn cầu. Dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, tuần hàng Việt Nam tại các nước được nhân rộng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Bộ cũng tổ chức các hội nghị, tập huấn giúp doanh nghiệp nắm bắt tiêu chí mua hàng, cách cung cấp hàng hóa ra nước ngoài thông qua các hệ thống phân phối.
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh khẳng định: “Bộ sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều tại siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối lớn. Từ đó, góp phần mở rộng kênh xuất khẩu, đưa hàng Việt Nam ra thế giới”.
Theo Thư Hà/Báo Hà Nội mới