Hyundai đầu tư vào Hòa Bình: Cú bắt tay “thổi bay” vài trăm tỷ

Chỉ mới tham gia mua cổ phiếu riêng lẻ của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ tháng 6 nhưng khoản đầu tư của Hyundai tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bị “thổi bay” hàng trăm tỷ đồng khi cổ phiếu HBC liên tục giảm giá và đà giảm này chưa có dấu hiệu dừng lại.

HBC có thể về 4.000 đồng/cổ phiếu

Gian đoạn 2014-2017, ngành xây dựng phát triển vượt bật nhờ những công trình nhà ở cao tầng, văn phòng, nhà xưởng… đã giúp doanh thu và lợi nhuận của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) tăng trưởng liên tục.

Trong quá trình phát triển của mình, Hòa Bình luôn “khao khát” tìm kiếm đối tác nước ngoài có thể giúp họ vươn vào thị trường xây dựng thế giới để khẳng định danh tiếng. Mất hơn 3 năm, Hòa Bình mới tìm được đối tác chiến lược đó là nhà sản xuất thang máy, thang cuốn Hyundai Elevator Co., Ltd đến từ Hàn Quốc.

Tháng 6 vừa qua, Hyundai đầu tư 575 tỷ đồng vào Hòa Bình để mua 25 triệu cổ phiếu HBC dưới hình thức phát hành riêng lẻ. Số lượng cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và giá phát hành là 23.000 đồng/cổ phiếu.

Dự án Empire City (Q.2, TP.HCM) do Hòa Bình thi công đã bị “bà hỏa” viếng thăm báo hiệu điềm chẳng lành đối với kết quả kinh doanh của công ty trong thời gian tới.

Giữa Hòa Bình và Hyundai có các điều khoản hợp tác rõ ràng cụ thể bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo đó, Hòa Bình sẽ có các phương án hỗ trợ phù hợp đối với Hyundai để cùng phát triển dựa trên 4 phạm vi công việc của các dự án do tập đoàn này làm: Tổng thầu, D&B, thầu phụ hay là chủ đầu tư.

Còn đối tác Hyundai sẽ cung cấp sản phẩm với mức giá cạnh tranh và hỗ trợ Hòa Bình khi dự thầu để có những công nghệ tốt nhất, mới nhất và giá thành cạnh tranh nhất để Hòa Bình có thể trúng các gói thầu lớn.

Chẳng may cho Hyundai khi hợp tác với Hòa Bình là thời điểm ngành xây dựng đã bên kia sườn dốc của chu kỳ tăng trưởng. Trong giai đoạn 2014-2017, cổ phiếu HBC có khoản tăng giá thần tốc gần 12 lần và nếu tính từ đáy khủng hoảng kinh tế năm 2009, cổ phiếu này đã tăng 36 lần.

Tuy nhiên, từ đỉnh được thiết lập vào năm 2017 đến nay, cổ phiếu HBC đã giảm giá 70%. Thời gian đầu tư của Hyundai vào Hòa Bình chỉ mới được 6 tháng nhưng khoản đầu tư 575 tỷ đồng bị “bốc hơi” hết 279 tỷ đồng, tương đương 48%. Đóng cửa ngày 14/11, cổ phiếu HBC chỉ còn 11.850 đồng/cổ phiếu.

Giá trị khoản đầu tư của Hyundai vào Hòa Bình được dự báo tiếp tục bị “bốc hơi” thêm khi đà giảm giá cổ phiếu HBC chưa có dấu hiệu dừng lại vì Hòa Bình đang đối mặt với hàng loạt khó khăn từ năng lực quản lý dòng tiền của công ty cũng như sự sụt giảm của ngành xây dựng nói chung và ngành bất động sản nói riêng.

Cổ phiếu HBC sẽ về đâu trong quá trình suy giảm luôn là sự quan tâm của giới đầu tư. Trong giai đoạn 2007-2009, HBC đã mất giá 90%. Lịch sử hoàn toàn có thể lập lại và lúc đó cổ phiếu HBC sẽ về vùng giá 4.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 90% kể từ đỉnh xảy ra cuối năm 2017.

Dấu hỏi về năng lực quản lý dòng tiền

Xây dựng là ngành có tính chu kỳ cao. Hiện nay, ngành xây dựng đang đứng bên kia sườn dốc của chu kỳ phát triển. Và Hòa Bình không thể thoát khỏi chu kỳ phát triển đó.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Hòa Bình của năm 2018 chỉ đạt 14,1% so với cùng kỳ năm trước và đã kém rất xa so với sự tăng trưởng 49% của năm 2017 hay 112% của năm 2016. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận còn thảm hại hơn khi năm 2018 giảm 26,7% so với cùng kỳ năm trước nếu đặt bên cạnh sự tăng trưởng 51,7% của năm 2017 và 583% của năm 2016.

Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu tăng 6,9% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 53,9% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, doanh thu trong quý 3 đã bắt đầu xuống dốc so với cùng kỳ khi giảm 1,6% còn lợi nhuận sau thuế giảm đến 73,7%.

Khoản phải thu liên tục tăng mạnh đã gây sức ép lên vốn lưu động. Những năm gần đây, Hòa Bình luôn báo lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng nhưng dòng tiền đến từ hoạt động kinh doanh luôn bị âm. Như năm 2017 là âm 1.096 tỷ đồng, năm 2018 là âm 182 tỷ đồng, trong 9 tháng đầu năm nay dòng tiền đến từ hoạt động kinh doanh âm 1.411 tỷ đồng.

Đến cuối quý 3, khoản phải thu lên tới 11.891 tỷ đồng, chiếm đến 72,3% trong cơ cấu tài sản. CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định: Khoản phải thu tăng mạnh đã gây sức ép lên vốn lưu động. Đây là vấn đề tồn tại từ lâu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tài chính của công ty. Do khoản phải trả không tăng tương ứng, Hòa Bình buộc phải tăng nợ vay ngân hàng và phải trả lãi vay.

Nguồn vốn 575 tỷ đồng mới thu được từ Hyundai quá nhỏ so với số nợ đang có của Hòa Bình. Hiện nay, công ty phải chịu nhiều áp lực về dòng tiền để trả nợ gốc và lãi vay cho khoản vay ngắn hạn 4.931 tỷ đồng. Chính điều này buộc Hòa Bình phải tìm nguồn vốn khác với chi phí rẻ hơn.

Mới đây, HĐQT thông qua chủ trương thực hiện phương án huy động 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho mục đích: Thanh toán nợ ngắn hạn, bổ sung vốn lưu động cuối năm và đầu tư vào các dự án nước ngoài. Tuy nhiên, ai sẽ mua trái phiếu chuyển đổi này khi cổ phiếu HBC cắm đầu lao dốc và chưa có dấu hiệu cho thấy đà giảm giá sẽ dừng lại.

Với tốc độ tăng trưởng âm và năng lực quản lý dòng tiền như hiện nay là hồi chuông báo động đối với tham vọng đưa Hòa Bình từ công ty xây dựng hàng đầu trong nước thành một tập đoàn xây dựng toàn cầu của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Viết Hải.

Theo Trí Nguyễn/Người tiêu dùng