Trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM cùng các ban ngành về xu thế sụt giảm của thị trường bất động sản tại TP.HCM.
Theo HoREA, trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai.
Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà đất tăng (do nguồn cầu quá lớn nhưng nguồn cung ít), làm cho số đông người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn. Trong khi thị trường TP.HCM tồn khoảng 200.000 căn hộ, nguyên nhân phần lớn người mua là để đầu cơ, cho thuê, chứ không phải mua nhà ở thực.
HoREA nhận thấy, thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng.
Tuy nhiên trên thực tế cho thấy, hai năm trở lại đây các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc tại TP.HCM lũ lượt kéo nhau về các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An và xa hơn là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận… để đầu tư, phát triển dự án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thừa nhận, thị trường bất động sản TP.HCM rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. Do thị trường bất động sản có “độ trễ” nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.
Sự khó khăn của ngành bất động sản cũng tác động không nhỏ đến các ngành khác như xây dựng, vật liệu, trang thiết bị… Trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng cũng sụt giảm 30 – 50 % số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp, các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thị trường bất động sản đi xuống cũng khiến người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ, nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường bất động sản còn có thể sụt giảm hơn nữa.
Theo HoREA, trong gần 3 năm qua, đã có nhiều dự án nhà ở thương mại bị dừng các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị ngừng triển khai. Cụ thể: Từ ngày 1/7/2015 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực) đến tháng 8/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị dừng các thủ tục đầu tư, dù đã có Quyết định chủ trương đầu tư, nhưng không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm tiếp các thủ tục đầu tư xây dựng.
Chưa hết, kể từ sau ngày 7/3/2017 (ngày ban hành Văn bản 342/TTg-V.I), đã có khoảng 150 dự án nhà ở liên quan đến sử dụng quỹ đất công, đã bị tạm dừng để được rà soát các thủ tục đầu tư đã được thực hiện trước đây. Đến tháng 3/2019, lãnh đạo cơ quan trung ương và thành phố đã công bố cho 124 dự án được tiếp tục hoạt động bình thường nhưng thực chất nhiều dự án đến nay vẫn chưa hoạt động bình thường.
Theo ông Lê Hoàng Châu, một khó khăn đáng kể với thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay là các chủ đầu tư dự án bất động sản và nhà đầu tư thứ cấp ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, do các ngân hàng thương mại đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản và kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng. Chính vì vậy, 3 quý vừa qua, thị trường bất động sản bị chững lại khi nguồn cung ra hàng dự án mới hiếm hoi, tính thanh khoản của các sản phẩm sụt giảm nghiêm trọng.
Hiện chính quyền TP.HCM đang chú trọng rà soát toàn bộ các dự án sai phạm để sớm cấp phép cho những dự án đủ điều kiện phát triển và mở bán vào cuối năm 2019. Nhiều doanh nghiệp cũng đang khắc phục dần những sai phạm trước đây để thị trường dần ổn định trở lại.
Trước những rào cản, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay, các chuyên gia bất động sản cho rằng, chính quyền cần đầy mạnh hơn nữa việc tháo gỡ những vướng mắc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tái khởi động dự án và phát triển các dự án mới, tạo điều kiện để thị trường bất động sản có những chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Theo T.L/Người tiêu dùng