Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa ra văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc kiến nghị xây dựng khung pháp luật để quản lý hiệu quả hoạt động cho thuê nhà ngắn hạn sử dụng dịch vụ Airbnb.
Do đó, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, công nhận dịch vụ cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc 1-2 tuần…) là hoạt động kinh doanh hợp pháp. Đồng thời, quy định người cho thuê nhà, cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định pháp luật; quy định thời gian mà người cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn được hoạt động kinh doanh cho thuê.
HoREA cũng đề nghị xem xét phương án quy định người cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn, có nghĩa vụ đóng góp (bổ sung) kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, do hoạt động kinh doanh này có thể làm gia tăng khối lượng công tác và trách nhiệm của Ban quản trị và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư.
Theo ông Châu, từ năm 2018, HoREA đã có báo cáo Bộ Xây dựng về phương thức kinh doanh cho thuê nhà ngắn dưới hình thức “chia sẻ phòng thuê”, sử dụng dịch vụ Airbnb, mà Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa tiên lượng nên chưa có khung pháp luật để điều chỉnh.
Đây là một trong nhiều hình thức kinh doanh của “nền kinh tế chia sẻ” trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tương tự như loại hình Uber, Grab, “không gian làm việc chung (co-working space)” …
Khi dịch vụ này du nhập vào nước ta đã tác động tích cực đến việc thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước, nhất là đối tượng có thu nhập không cao, muốn tiết kiệm chi phí lưu trú. Khi sử dụng dịch vụ Airbnb, bên cho thuê và bên thuê giao dịch, nhận nhà, trả nhà thuê, thanh toán tiền thuê nhà đều qua mạng, không cần phải gặp trực tiếp. Phương thức này giúp khai thác hiệu quả tài sản nhà ở, nhất là các phòng ở dôi dư, hoặc căn hộ trong các khu vực có nhiều khách vãng lai, khách du lịch.
Tuy nhiên, hạn chế của phương thức này là chưa có đầy đủ các quy định pháp luật để quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh doanh, dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như làm thất thu ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thậm chí có những trường hợp sử dụng nhà thuê qua dịch vụ Airbnb để hoạt động tội phạm. Ngoài ra còn phát sinh “xung đột lợi ích” giữa người cho thuê căn hộ nhà chung cư sử dụng dịch vụ Airbnb với cư dân, do thường xuyên có người thuê nhà lạ mặt đến cư ngụ, gây tâm lý bất an và ảnh hưởng đến không gian riêng tư của các hộ gia đình trong chung cư.