Categories Doanh nghiệp

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không kêu cứu

 

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng có giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ ngành trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Văn bản do Phó chủ tịch Hiệp hội Bùi Doãn Nề ký gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết từ cuối tháng 7/2020, dịch Covid-19 tiếp tục tái phát ở một số địa phương, đặc biệt là TP. Đà Nẵng, thị trường trọng điểm du lịch – hàng không nội địa.

Cũng theo văn bản, dịch Covid-19 tái phát đã tác động tới tâm lý toàn xã hội khiến nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không giảm đột ngột. Các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020, chuyển ngay vào giai đoạn thấp điểm.

hang khong cau cuu thu tuong anh 1
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng có giải pháp hỗ trợ ngành trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh: Việt Linh

Theo Hiệp hội, mặc dù các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí 50-70% so với cùng kỳ năm trước, đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay, bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản, giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên hay giảm giá vé…, vẫn đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng.

Trước những khó khăn trên, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 – 4 năm.

Hiệp hội cũng đề nghị cho phép kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021 cũng như mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV.

Văn bản cũng đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 50-70% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021 cũng như xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 6 tháng việc nâng cấp sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Đáng lưu ý, tổ chức này cũng đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không.

Dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không Việt có 6 tháng đầu 2020 kinh doanh khó khăn. Báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 tại đại hội cổ đông, ban quản trị của Vietnam Airlines trình kế hoạch lợi nhuận dự kiến âm 15.177 tỷ đồng vì dịch Covid-19.

Theo đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến khai thác các đường bay quốc tế và nội địa, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng, giảm 40,5% so với thực hiện năm 2019.

Doanh nghiệp dự kiến lỗ sau thuế 15.177 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi năm 2019 là 2.517 tỷ. Lũy kế 6 tháng, hãng ghi nhận doanh thu 24.808 tỷ đồng, giảm 50% và lỗ sau thuế 6.642 tỷ.

Vietjet Air cũng ghi nhận thiệt hại về doanh thu do dịch Covid-19 trong nửa đầu 2020. Công ty mẹ Vietjet với hoạt động vận tải hàng không đã lỗ ròng 2.112 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm.

Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp của hãng cũng đã giảm hơn 1.600 tỷ đồng, chuyển từ lãi 511 tỷ năm trước sang âm 1.122 tỷ đồng năm nay. Tính chung 6 tháng, hãng hàng không giá rẻ này ghi nhận 9.194 tỷ đồng doanh thu, giảm 54% và lỗ ròng sau thuế 2.112 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 1.241 tỷ.

Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của Vietjet Air, tính riêng ở mảng vận tải hàng không.

Bamboo Airways hiện vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trước đó Bamboo Airways cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý I/2020.

Theo Ngô Minh/Zingnews.vn