Do việc phân loại, đánh giá biệt thự cũ chậm triển khai nên khi kiểm tra thực tế, 560/1.400 căn đã biến mất dù trên giấy tờ vẫn ghi nguồn gốc đất là biệt thự
Thực trạng trên khiến công tác bảo tồn di sản trên địa bàn TP HCM trở thành vấn đề cấp bách. Nhiều đại biểu (ĐB) đã đặt ra vấn đề này tại buổi giám sát của HĐND TP HCM ngày 12-11 về công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị.
Do chưa có tiền lệ
Nhìn nhận công tác bảo tồn di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị là việc cần làm trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của TP HCM, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) Nguyễn Thanh Nhã cho biết từ năm 2013, TP ban hành Quyết định 2751/QĐ -UBND với tên gọi tắt là “Chương trình bảo tồn” với 10 nội dung. Trong đó, lãnh đạo Sở QH-KT là phó ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động. Thế nhưng, qua gần 7 năm triển khai, đến nay, Quyết định 2751 đã hết hạn nhưng kết quả đạt được rất khiêm tốn, các nội dung đều chậm thực hiện hoặc chưa triển khai.
Theo ông Nhã, có nguyên nhân do khách quan như thay đổi quy định, quy phạm pháp luật, nội dung thực hiện có phạm vi rộng, phức tạp, đòi hỏi tính chuyên sâu, chuyên gia có trình độ, thiếu nguồn nhân lực, tài chính…nhưng cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan. Đó là các đơn vị thực hiện còn bị động, chưa kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện khiến kết quả công việc chưa đạt yêu cầu.
Riêng công tác phân loại biệt thự cũ, đến năm 2018, TP HCM mới có quy định về tiêu chí đánh giá, phân loại và thành lập hội đồng phân loại. Vì vậy, theo giám đốc Sở QH-KT, khi kiểm tra thực tế, 560/1.400 biệt thự xưa cũ đã biến mất, không còn giữ nguyên hiện trạng mà được chủ sở hữu xây thành nhà phố, sửa chữa thay đổi kết cấu ban đầu dù trên giấy tờ vẫn ghi nguồn gốc đất là biệt thự.
Lý giải nguyên nhân chậm phân loại, đánh giá biệt thự xưa cũ, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (chủ tịch hội đồng phân loại) cho hay tính đến nay, 926 biệt thự cũ đã được hội đồng rà soát. Trong đó, 648 căn chưa đủ điều kiện thẩm định do thiếu 1 trong 2 điều kiện: thiếu kiểm kê, thiếu đánh giá hoặc chưa có ý kiến bằng văn bản về việc kiểm đếm của địa phương. Việc phân loại biệt thự gặp khó khăn do chuyên môn mang tính đa ngành và phức tạp, chưa có tiền lệ; các thành viên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi. Hội đồng phân loại không có không gian làm việc, không có máy móc, thiết bị chuyên dùng và thiếu kinh phí.
Một nguyên nhân khác được Sở QH-KT TP HCM đưa ra là do TP kỹ lưỡng, yêu cầu báo cáo từng trường hợp nên thời gian phân loại kéo dài.
Khuyến khích tư nhân cùng bảo tồn
Chỉ ra nguyên nhân tồn tại khiến việc bảo tồn di sản, di tích còn nhiều hạn chế, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng kiến thức của đội ngũ quản lý nhà nước nói chung và đội ngũ quản lý các di tích nói riêng không theo kịp sự phát triển của xã hội. Chưa kể, quyết tâm bảo tồn không đủ nên nhiều di sản giá trị không giữ được. Theo TS Võ Kim Cương, để công tác bảo tồn hiệu quả, nhà nước phải có chính sách hài hòa giữa chủ sở hữu di sản và cơ chế bảo tồn, song song đó công khai thông tin, quy hoạch quanh di tích để người dân được rõ.
Đánh giá công tác bảo tồn di tích, di sản, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận dù UBND TP và các sở, ngành triển khai nhiều nhiệm vụ nhưng quá trình thực hiện lại phát sinh nhiều bất cập, hạn chế. Điển hình, khi thực hiện quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị chưa tính đến khu vực bảo vệ di tích, cảnh quan kiến trúc công trình quanh di tích, khiến nhiều di tích nằm trong quy hoạch giao thông, đô thị…
Từ phân tích trên, bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu UBND TP HCM cần quan tâm, khắc phục những hạn chế, đặc biệt sớm có cơ chế chính sách phù hợp với từng loại hình công trình cần bảo tồn, rà soát đưa vào danh mục kiểm kê các công trình cần bảo tồn, hạn chế tình trạng tháo cũ xây dựng mới. Hiện nay, nhiều công trình chỉ còn phần hồn, phần xác mất từ lâu, như hàng loạt biệt thự cũ.
“Cần khuyến khích tư nhân cùng bảo tồn và để tư nhân tham gia, TP cần có cơ chế chính sách thỏa đáng, hài hòa lợi ích chủ sở hữu với công tác bảo tồn, bởi thống kê có khoảng 100 di tích thuộc sở hữu tư nhân. Ngoài ra, cần kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong quá trình họ xin sửa chữa, trùng tu di tích” – Chủ tịch HĐND TP HCM nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm khẳng định TP luôn quan tâm đến công tác bảo tồn di sản, di tích và cụ thể hóa qua các văn bản, chính sách triển khai thời gian qua. “Cuối tháng 11 này, TP sẽ tổng kết Quyết định 2751, qua đó đề ra cụ thể các nhiệm vụ phải làm trong thời gian tới, cố gắng trong tháng 1-2020 ban hành Quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, lịch sử văn hóa trên địa bàn” – ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh. Ngoài ra, TP cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan như QH-KT, Du lịch, Văn hóa – Thể thao… phối hợp đề ra các giải pháp về đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn hơn, phát huy giá trị di tích thông qua các sản phẩm du lịch…
Tính toán khai thác hiệu quả lợi thế của di sản, di tích
Theo ĐB Tăng Hữu Phong, di sản, di tích là tiềm lực thu hút khách du lịch nhưng nếu chỉ nhìn vào bộ phận nhỏ một số công trình là chưa đủ. Mục tiêu của chúng ta là bảo vệ, quản lý nhưng chưa thấy phát huy.
Ông Tăng Hữu Phong cho rằng TP HCM nên đánh giá xem trong số 13 bảo tàng, 172 di tích, hơn 1.000 biệt thự thì có bao nhiêu đơn vị thu đủ bù chi hay không thu được đồng nào, qua đó sẽ đánh giá rõ hơn công tác bảo tồn để có giải pháp phát huy hợp lý.