Mới đây, thông tin không cần qua trung gian ngân hàng hay công ty tài chính mà người đi vay và người cho vay vẫn giao dịch trực tiếp với nhau thông qua nền tảng công nghệ số được Nhà nước kiểm soát giúp nhiều người có nhu cầu vay vốn thêm vui mừng.
Hiểu một cách đơn giản, cho vay ngang hàng (P2P Lending) cho phép các cá nhân có thể vay tiền trực tiếp từ các cá nhân khác dựa trên nền tảng cho vay trực tuyến mà không cần phải có vai trò của các trung gian tài chính như ngân hàng. Các công ty cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng dựa trên nền tảng cho vay trực tuyến ở đây có thể là website hoặc app online cho phép kết nối người có tiền với người có nhu cầu vay tiền phù hợp ở bất kỳ nơi đâu, giúp cho việc vay vốn trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, so với quá trình thẩm định hồ sơ cho vay của ngân hàng và các công ty tài chính thì quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn được thực hiện hoàn toàn trực tuyến và có tính bảo mật cao hơn dựa trên công nghệ BigData. Công nghệ BigData cho phép mã hóa, kiểm soát tất cả thông tin của cả người vay và người cho vay. Chính vì đặc điểm trên mà cho vay ngang hàng còn được gọi là cho vay đám đông và nhiều khoản vay không yêu cầu có tài sản đảm bảo.
Nếu bạn cảm thấy khái niệm về cho vay ngang hàng vẫn còn khó hiểu, thì có thể hình dung một cách đơn giản về hoạt động này giống như cách thức hoạt động của Uber hay Grab trong việc kết nối người có nhu cầu đi xe và người có xe.
Thực tế, trên thế giới cho vay ngang hàng khá phát triển và đang cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng thương mại. Còn tại Việt Nam, hoạt động cho vay này thời gian qua cũng đã phát triển khá, có điều hoạt động này chưa được cơ quan quản lý chấp nhận, nên nó còn ẩn chứa khá nhiều rủi cho người có nhu cầu vay vốn.
Tuy nhiên hiện NHNN đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm Fintech trong hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng. Đó là một tín hiệu tích cực cho những người có xu hướng lựa chọn hình thức vay vốn này.
Bởi thực chất, hoạt động vay vốn này khá tiện lợi, phù hợp với nhiều người không có tài sản đảm bảo để vay vốn tại ngân hàng, hoặc không có đủ điều kiện chứng minh thu nhập, công việc ổn định để vay vốn tại công ty tài chính. Với họ, việc tiếp cận vay vốn theo hình thức này là một giải pháp tài chính hiệu quả, nay lại được sự bảo vệ của NHNN thì họ sẽ không phải chịu những rủi ro tài chính như lãi suất vay cao, đòi nợ, siết nợ, hăm dọa…
Thừa nhận điều này, một chuyên gia tài chính nói rằng, điều đặc biệt của cho vay ngang hàng là cho phép cả những cá nhân, tổ chức khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng vẫn có thể vay được với lãi suất và chi phí rẻ hơn, tùy thuộc điểm tín dụng do công ty cho vay ngang hàng đánh giá. Mọi quá trình thẩm định vay vốn, chấm điểm tín dụng sẽ được thực hiện đúng quy trình, khách quan và minh bạch theo quy định của NHNN.
Theo Dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm Fintech trong hoạt động ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm. NHNN sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia của doanh nghiệp và xét duyệt dựa trên bộ tiêu chí riêng. Chỉ những doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện như có giải pháp sáng tạo, có khả năng quản lý rủi ro tốt… mới được cấp phép chạy thí điểm. NHNN đã nêu rõ quan điểm, những doanh nghiệp trong quá trình chạy thí điểm cho vay ngang hàng nếu không làm tốt sẽ phải gia hạn thử nghiệm hoặc thậm chí là dừng thử nghiệm, không được cấp phép hoạt động chính thức.
Dẫu đã được sự bảo vệ từ phía NHNN, nhưng vị chuyên gia trên cũng nói thêm rằng, người vay theo hình thức P2P Lending không nên vì thế mà lơ là, bởi hình thức cho vay ngang hàng khá đa dạng từ phía các nhà cung cấp. Hơn nữa, việc vay vốn thực hiện trực tuyến nên những rủi ro hiện hữu thực tế không giảm đi.
Cụ thể, các khoản vay ngang hàng có thể là vay tín chấp hoặc thế chấp. Trong đó, các khoản vay cá nhân là để hợp nhất khoản nợ, trả nợ thẻ tín dụng, sửa chữa nhà, tiêu dùng, mua xe, vay học cao học… vẫn phổ biến nhất. Một số ít người cho vay theo mô hình P2P Lending chuyên nghiệp còn cung cấp các khoản vay với mục đích kinh doanh hoặc các khoản vay có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo ở đây có thể là đồ trang sức, đồng hồ cao cấp, xe hơi, đồ mỹ thuật, bất động sản, máy bay…
Khi người có nhu cầu vay tiền sẽ nộp đầy đủ hồ sơ cùng đơn đăng ký vay vốn trên các cổng cho vay trực tuyến thì người cho vay sẽ đưa ra một loạt các đề nghị cho vay. Hầu hết người cho vay ngang hàng thường ra quyết định cho vay trong 1 ngày hoặc 1 vài ngày. Quá trình này có thể hoàn toàn tự động hoặc người cho vay và người vay có thể chọn cách mặc cả hoặc thỏa thuận với nhau.
Lãi suất khoản vay có thể được xác định bởi công ty P2P Lending dựa trên xếp hạng tín dụng, phân tích tài khoản mạng xã hội của người vay hoặc được thiết lập bằng cách để người cho vay cạnh tranh trên mô hình đấu giá ngược.
Quy trình là vậy, nhưng đây vẫn là giao dịch dân sự dựa trên nhu cầu cá nhân với cá nhân (người vay và người cho vay) nên các cơ quan chức năng cũng không thể nào bao quát hết được những rủi ro phát sinh. Nhất là khi hầu hết các khoản vay không yêu cầu tài sản đảm bảo; người vay được sử dụng vốn linh hoạt; lãi suất có thể cao hơn ngân hàng nếu như xếp hạng tín dụng thấp; Rủi ro mất tiền nếu người vay vỡ nợ; Các khoản tiền cho vay không được bảo hiểm như đối với tài khoản tiết kiệm…
Một điểm cũng đặc biệt lưu ý nữa là hiện nay xuất hiện một số người đã lợi dụng hình thức này, biến tướng thành hình thức tài chính đa cấp hoặc tín dụng đen để trục lợi. Các hình thức biến tướng hoạt động chủ yếu theo hình thức huy động tiền đa cấp để chiếm đoạt tiền từ nhà đầu tư. Do vậy, người vay lẫn người cho vay ở hoạt động theo mô hình này dù hiện tại hay tương lai vẫn nên có những tính toán cẩn trọng và tỉnh táo ở mọi giao dịch. Từ đó có thể giảm thiểu được rủi ro tài chính cũng như giúp cho thị trường tài chính có thêm một dịch vụ tài chính minh bạch và tiện ích.
Theo Lam Anh/Thời báo Ngân hàng