Hạn chế dùng tiền mặt, góp sức đẩy lùi Covid-19

Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt giảm thấp nhất nguy cơ lây lan SARS-CoV-2 và các bệnh lây nhiễm qua vật tiếp xúc, ở đây cụ thể là các tờ tiền.

An toàn giữa “bão dịch”

Thời gian gần đây, do tác động từ đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng trong cả nước sử dụng nhiều hơn các dịch vụ kỹ thuật số. Trong đó, nhiều nhất vẫn là các dịch vụ thanh toán không tiền mặt, thương mại điện tử, đi chợ bằng… điện thoại. Trong đó, tại TP. Đà Nẵng để tránh nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, nhiều “thượng đế” cũng đã chọn các “kênh” mua hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.

Không chờ đến thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt đã được các cơ quan chức năng khuyến khích sử dụng. Bởi, số hóa các dịch vụ thanh toán góp phần tăng tính minh bạch, tăng hiệu quả giám sát tài chính, thậm chí còn tiết kiệm, hiệu quả hơn đối với người tiêu dùng. Đến thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt giảm thấp nhất nguy cơ lây lan SARS-CoV-2 và các bệnh lây nhiễm qua vật tiếp xúc, ở đây cụ thể là các tờ tiền. Bà Trần Thị Bích Liên, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng chia sẻ, ở thời điểm trước dịch thường đi chợ theo kiểu mua bán trực tiếp. Tuy nhiên, từ thời điểm đầu năm 2020 đến nay, đã ưu tiên hơn cho việc mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt hay sử dụng ATM… Những dịch vụ này đã và đang góp phần để bản thân cũng như cả gia đình, tránh tiếp xúc những nơi đông người, “né” được Covid-19…

han che dung tien mat gop suc day lui covid 19
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của thời đại

Phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ sở kinh doanh cũng đã đẩy mạnh các kênh bán hàng online, chấp nhận nhiều hình thức thanh toán điện tử. Tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện đang thực hiện nhiều hình thức thanh toán điện tử. Trong đó, có thể kể đến như thanh toán bằng thẻ ngân hàng (Visa card, Master card, thẻ ATM), Gift Card, Samsung Pay, QR payment, ZaloPay, ví Momo… Theo ông Phan Thống – Giám đốc siêu trị Co.opmart Đà Nẵng, mỗi ngày Co.opmart Đà Nẵng có khoảng 2,5 nghìn lượt giao dịch. Trong đó, số lượt giao dịch bằng các hình thức thanh toán đang chiếm hơn một nửa. Các hình thức thanh toán điện tử đang áp dụng tại siêu thị được đông đảo khách hàng hưởng ứng tích cực và ngày càng gia tăng số lượt thanh toán, bởi những tiện ích kể cả phía người mua lẫn người bán.

Thanh toán không sử dụng tiền mặt, không chỉ được sử dụng nhiều trong việc thanh toán các dịch vụ thiết yếu, mà phương thức thanh toán này còn được nhân rộng ra nhiều lĩnh vực khác. Đơn cử như trong ngành giáo dục, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng giúp nhiều phụ huynh thuận tiện hơn trong việc chi trả học phí cho con em. Về phía nhà trường cũng giảm tải công việc cho bộ phận kế toán.

Hướng đến xã hội không tiền mặt

Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã có kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch nhằm góp phần đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử trên địa bàn thành phố đạt từ 50%. Trong đó, thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm từ 80%; 100% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại có hóa đơn điện tử. Phấn đấu đến năm 2025, 55% dân số tại các quận trung tâm và 30% dân số tại các quận, huyện ngoại thành tham gia mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

Về phía ngành Ngân hàng trên địa bàn thành phố, việc thay đổi phương thức thanh toán của người tiêu dùng cũng đặt ra cho các TCTD những áp lực phải thay đổi. Trong đó, nổi bật là việc phải xây dựng hệ sinh thái thanh toán đa dạng hơn, mang lại những thuận tiện, dễ sử dụng cho các khách hàng. Xác định công nghệ là yếu tố then chốt để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, các TCTD trên địa bàn đã không ngừng nâng cấp, cải tiến dịch vụ ngân hàng điện tử cả về chất lượng lẫn số lượng. Bên cạnh đó, bảo đảm tính bảo mật an toàn cho các “thượng đế” khi sử dụng các dịch vụ thanh toán online. Đơn cử như tại SeABank Đà Nẵng, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngoài việc miễn toàn bộ phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống đối với khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của SeABank qua ứng dụng SeAMobile, seanet.vn, SeABank còn cung cấp cho khách hàng các tiện ích như: thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet, điện thoại, truyền hình, mua vé máy bay, mua bảo hiểm, mua sắm online, thanh toán hoặc chuyển tiền qua QR code…

Thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, ông Võ Minh – Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn ngày càng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, yêu cầu các ngân hàng sắp xếp, bố trí hợp lý mạng lưới POS, mPOS theo hướng rà soát thu hồi những máy POS ít phát sinh giao dịch, tìm kiếm nơi lắp đặt mới hiệu quả hơn; tập trung nghiên cứu trang bị một số loại máy ATM tính năng hiện đại, có thể nhận diện chính xác khách hàng, cung ứng nhiều dịch vụ mới và có dịch vụ trợ giúp trực tuyến cho khách hàng ngay tại ATM. Đồng thời, các TCTD cũng phải rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng thông qua tự động hóa các quy trình nghiệp vụ ngân hàng. Bên cạnh, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thanh toán không dùng tiền mặt đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố bằng nhiều hình thức linh hoạt khác nhau.

Có thể khẳng định, vào thời điểm này các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang góp sức đẩy lùi Covid-19. Tuy nhiên, về lâu dài để hướng đến một xã hội không tiền mặt, xu thế tất yếu của thời đại, thì bên cạnh những nỗ lực của ngành Ngân hàng, đơn vị có liên quan, thì các cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo cơ sở để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoạt động. Đặc biệt, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu của người dùng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin nhằm tạo dựng môi trường thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, tin cậy.

Theo Nghi Lộc/Thời báo Ngân hàng

 

Print Friendly, PDF & Email