Cũng như nhiều tỉnh/thành trong cả nước, thông qua nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Với việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do, nông nghiệp dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… giúp khơi thông dòng chảy thương mại cũng như vốn đầu tư giữa Việt Nam và các thị trường đối tác.
Đặt trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh, phát triển theo hướng công nghệ cao, đa giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu thì phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chương trình quốc gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030.
Do đó một nền nông nghiệp xanh, phát triển theo hướng công nghệ cao phải ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp người nông dân chủ động hơn trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Cũng như nhiều tỉnh/thành trong cả nước, thông qua nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 105 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thuỷ sản, tập trung chủ yếu ở Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, việc mở rộng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Hiện mới chỉ có 1 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; chỉ có 2 mô hình sản xuất rau tại Thanh Trì và Đan Phượng; 2 mô hình sản xuất hoa tại Đan Phượng và Chương Mỹ; 1 mô hình sản xuất lúa (Thanh Trì); 1 cơ sở sản xuất giống thuỷ sản và 17 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế.
Bên cạnh đó, Hà Nội mới chỉ có hơn 50 ha sản xuất rau, hoa và 20 ha nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng các công nghệ thuộc danh mục công nghệ cao vào sản xuất, còn lại là các cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hoặc ứng dụng một phần hệ thống nhà lưới có điều khiển vi khí hậu, giống mới, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống chuồng kín trong chăn nuôi. Hà Nội cũng còn thiếu những mô hình mang tính tiên tiến hàng đầu, chứa đựng hàm lượng khoa học công nghệ cao áp dụng trong sản xuất nông nghiệp nên chưa tạo ra những đột phá mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố. Hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng trọt: 10 doanh nghiệp, chăn nuôi: 32 doanh nghiệp, thủy sản: 2 doanh nghiệp); 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;…
Muốn vậy, Hà Nội cần đề xuất các quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của thành phố. Song song với đó, cần xác định vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế, đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Hà Nội cũng như đưa ra kế hoạch hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất. Tổ chức tập trung ruộng, tích tụ ruộng đất, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo P.L/Thời báo Ngân hàng