Categories Bất động sản

Hà Nội: “1000 cư dân không nhập được hộ khẩu” gây sức ép với chủ đầu tư

Sáng 30/5, nhiều người dân sống tại tòa nhà chung cư 129D Trương Định (Hà Nội) đã tập trung mang theo những băng rôn với biểu ngữ “1000 cư dân không nhập được hộ khẩu” gây sức ép cho chủ đầu tư có trách nhiệm trả sổ hồng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Th. một chủ căn hộ ở tòa nhà cho hay: “Sau rất nhiều lần ý kiến nhưng chủ đầu tư không giải quyết triệt để khiến chúng tôi hết kiên trì. Hơn 2 năm đi vào hoạt động nhưng chưa được cấp sổ đỏ nên mọi giao dịch, sinh hoạt bị khó khăn”.

Một cư dân khác cũng cho hay, do không được nhập khẩu nên con nhỏ đi học phải trái tuyến rất khó khăn: Xin học trái tuyến, xin đăng ký tạm trú khó, chúng tôi như đang ở nhờ. Trong khi đó năm học sắp đến nơi rồi”.

Người dân bức xúc trước khu vực tòa nhà
Hà Nội: Hàng nghìn cư dân không nhập được hộ khẩu phát loa yêu cầu chủ đầu tư giải quyết - Ảnh 2.
Không ai muốn điều này.

Chung cư 129 D Trương Định từ lâu nay vẫn được các cư dân phản ánh về tình trạng chậm hoàn tất sổ đỏ mặc dù họ đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân.

Chị V., bức xúc phản ánh: “Trước khi tìm hiểu mua nhà, thấy họ rao bán trên mạng và giới thiệu rất nhiều thứ tốt đẹp nên rất tin vào chủ đầu tư. Họ vẽ ra những tiêu chuẩn như: Tầng 1 sẽ là siêu thị, nhà trẻ nên hai vợ chồng vay mượn để nộp tiền mua nhà theo tiến độ. Tuy nhiên, đến khi vào ở thì thấy mọi thứ phiền toái. Để xin được cho con đi học đúng tuyến thì vợ chồng tôi phải lo được cái tạm trú. Không đơn giản chỉ có vậy, khi có tạm trú rồi thì cũng phải “xin” các mối quan hệ”.

Hà Nội: Hàng nghìn cư dân không nhập được hộ khẩu phát loa yêu cầu chủ đầu tư giải quyết - Ảnh 3.
Họ vẫn kiến trì chờ đợi.

Trước đó, khi trả lời chúng tôi, một cán bộ Ban quản lý dự án cho hay, tòa nhà 129D Trương Định do Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 22 (HANDICO 22) và Công ty CP Đồng Tháp là đồng chủ đầu tư.

Theo người này, việc chậm trễ cấp sổ đỏ lỗi thuộc về chủ đầu tư. Các cư dân mua nhà ký hợp đồng trực tiếp với Handico 22. Tuy nhiên, do chủ đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất (khoảng 97 tỷ đồng) nên bị phạt thuế hơn 30 tỷ đồng, cho đến nay vẫn chưa thể nộp được số tiền này, dù gốc đã nộp đầy đủ.

Giải thích thêm về vấn đề này, một cán bộ phụ trách kỹ thuật cho hay, năm 2013 có quyết định giao đất, thì hai công ty trên liên doanh lập dự án.

“Do chủ đầu tư rất cầu thị và thấy bất cập, năm 2015 đã thay đổi một số hạng mục cần phải thay đổi công năng như: PCCC, bể bơi nên phải làm lại thiết kế. Vì vậy, đồng chủ đầu tư đã làm các công văn gửi các cơ quan chức năng nên bị gián đoạn… Hà Nội không vội được đâu, câu nói này quen thuộc rồi”.

Theo người này, vấn đề l ở chỗ tiền bị phạt thuế không được giải quyết, do giấy tờ liên quan đến dự án chưa đủ nên UBND quận không cho bán tiếp (hiện còn 1 tầng chưa bán) dẫn đến việc chậm trễ.

Được biết, Cục Thuế Hà Nội đã có công văn gửi Chi Cục thuế quận Hai Bà Trưng về việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất và và cam kết nộp tiền thuê đất.

Theo Minh Ngọc/Báo Dân sinh