Trong khi các tiệm đồ ăn, thức uống đang loay hoay với các chiến dịch sống xanh, giảm rác thải nhựa, sự bùng nổ của dịch vụ đặt đồ trực tuyến như GrabFood, Go-Food tạo sức ép mới.
Hải Linh (22 tuổi, nhân viên văn phòng) thường xuyên rủ đồng nghiệp gọi cơm trưa về công ty. Linh cho biết mỗi suất ăn 35.000 đồng (đã bao gồm chi phí vận chuyển) được đựng trong 1 hộp nhựa xốp, kèm 1 túi ni-lông nhỏ đựng canh, 1 muỗng nhựa và 1 đôi đũa tre dùng một lần bọc trong túi ni-lông.
Tất cả vật dụng này được đựng trong 1 túi ni-lông khác lớn hơn để tiện di chuyển.
Với thức uống, các cửa hàng sẽ phục vụ trong ly nhựa có nắp đậy, kèm theo 1 muỗng nhựa và 1 túi ni-lông có quai xách để mang đi.
Bùng nổ dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến
Sự tiện lợi cho người tiêu dùng và khả năng cắt giảm chi phí cho cửa hàng giúp các mô hình take away và đặt đồ ăn trực tuyến liên tục nở rộ.
Chỉ vài trăm mét trên con đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) đã xuất hiện 4-5 tấm bảng “cà phê take away” với giá mỗi ly cà phê chỉ khoảng 12.000-20.000 đồng tùy loại.
Riêng dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến đã có mặt tại 15 tỉnh, thành trên cả nước với những cái tên đình đám như Now, Grab Food, GoFood… dù mới xuất hiện cách đây khoảng 3 năm.
Từ cuối tháng 6/2018 đến giữa tháng 5 vừa qua, GrabFood ghi nhận số lượng đơn hàng trung bình mỗi ngày tăng 250 lần. Còn thu nhập bình quân của các nhà hàng, quán cà phê cũng tăng khoảng 300% sau 2-3 tháng, tương ứng với số lượng đơn hàng tăng gấp 3 lần.
GoFood cũng xác nhận số lượng đơn hàng lên đến hàng trăm nghìn mỗi ngày trên cả nước, tăng trưởng 25-35%.
Euromonitor đánh giá quy mô thị trường gọi món trực tuyến ở Việt Nam đạt khoảng 33 triệu USD. Con số này được dự báo có thể vượt 38 triệu USD vào năm 2020.
Trả lời phỏng vấn CNBC, ông Kell Jay Lim, Giám đốc khu vực của GrabFood, đánh giá dịch vụ giao đồ ăn mới chỉ phát triển ở giai đoạn sơ khai tại các nước Đông Nam Á.
Theo chuyên gia marketing Chandan Joshi thuộc EY, các công ty hoạt động trên nguyên tắc tốc độ, sự thuận tiện và lựa chọn phong phú dành cho khách hàng. Trước đây chỉ 10-20% cư dân các thành phố ở Đông Nam Á sử dụng ứng dụng giao đồ ăn. “Tỷ lệ này đã tăng lên đến 50%”, chuyên gia Joshi khẳng định.
Biết gây hại đến môi trường nhưng vẫn sử dụng
Cùng với sự bùng nổ của dịch vụ gọi món trực tuyến là mối lo về sự gia tăng rác thải nhựa.
Sự thuận tiện, nhanh chóng và đôi khi cả cạnh tranh về giá, khi các ứng dụng như Grab, GoViet… tung khuyến mãi giành khách… là điều lôi kéo Linh và đồng nghiệp sử dụng các ứng dụng mỗi ngày.
“Dù biết đang tiếp tay cho việc gây hại đến môi trường, mình không thể sống thiếu các ứng dụng giao đồ ăn”, Hải Linh nói với Zing.vn.
Thậm chí đến nay, khi các nền tảng không còn ồ ạt giảm giá như trước, Linh và đồng nghiệp vẫn tiếp tục sử dụng. Lý giải về điều này, Hải Linh cho rằng “lười biếng là tâm lý chung của người tiêu dùng”.
Còn với các cửa hàng, tiệm cà phê, bài toán chi phí vẫn là cản trở chính cho việc tràn ngập rác thải nhựa khi khách gọi món online hoặc take away.
“Khách dùng tại quán thì chúng tôi còn rửa đi phục vụ tiếp được, chứ take away hay gọi qua ứng dụng giao đồ ăn thì doanh thu không đủ bù chi phí”, quản lý một chuỗi nhà hàng tại TP.HCM cho biết.
“Một số nơi dùng hộp bã mía, xơ tre và đựng trong túi làm từ bột bắp, bột mía hoặc túi giấy, gói lá chuối. Tuy nhiên, do chi phí cao nên hiện chỉ có các cửa hàng cao cấp, giá sản phẩm cao mới làm được. Còn các hàng quán lề đường, khoảng 30.000 đồng mỗi suất, thì không chịu nổi áp lực chi phí.”
Đó là ghi nhận của bạn Nguyễn Hữu Quỳnh Hương – một bạn trẻ có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từng gây ấn tượng với những tấm bảng “Tui bán rau, không bán túi ni-lông”.
Các sản phẩm thân thiện với môi trường có giá cao gấp 2-3 lần nhựa. Thậm chí, xét đến hộp đựng thực phẩm, mỗi hộp bã mía, xơ tre… ngốn 3.000-5.000 đồng của các nhà hàng, trong khi giá nhập hộp nhựa xốp thông thường chỉ là 200-300 đồng.
Grab, Go-Viet chỉ là trung gian?
Với đà tăng trưởng của các nền tảng gọi món trực tuyến và mô hình take away như hiện nay, lượng nhựa thải ra môi trường sẽ tăng lên theo cấp số nhân.
Trong khi đó, hệ thống xử lý rác thải của Việt Nam vẫn chưa theo kịp sự bùng nổ này. Ông Albert T. Lieberg – Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá năng lực quản lý chất thải ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, làm gia tăng gánh nặng đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Đồng quan điểm trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra dẫn chứng về tỷ lệ tái chế nhựa thấp ở nước ta. Tại TP.HCM nơi thải ra khoảng 250.000 tấn nhựa mỗi năm, 19,2% lượng rác này được chôn lấp, còn hơn 200.000 tấn còn lại được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Vân Chi – Giám đốc truyền thông GoViet cho biết, mô hình hoạt động của GoViet là nền tảng kết nối đa dịch vụ giữa người bán và người mua. Do đó, GoViet không trực tiếp cung cấp sản phẩm hay can thiệp vào cách thức kinh doanh, đóng gói sản phẩm của người bán.
“Chúng tôi vẫn có các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người bán hàng về vấn đề bảo vệ môi trường, còn chính sách hỗ trợ đối tác giảm thiểu đồ nhựa hay túi ni-lông thì hiện vẫn chưa thể triển khai”, bà chia sẻ.
Do đó, bà cho rằng tình trạng sử dụng nhựa tràn lan chỉ có thể được giải quyết triệt để nếu các cửa hàng F&B ý thức được tác hại và quyết tâm thay đổi.
Theo Lan Anh/Zing.vn