hia sẻ tại Tọa đàm Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho bất động sản do Báo Người lao động tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh hôm 9/11, ông Bùi Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Đất xanh cho biết, các doanh nghiệp luôn mong muốn cơ quan quản lý thường xuyên lắng nghe để hiểu thị trường, tháo gỡ vướng mắc cho nền kinh tế. Suốt một năm qua, không chỉ Đất Xanh mà các doanh nghiệp bất động sản khác cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó chủ yếu là về pháp lý.
“Tôi cho rằng, mấu chốt của vấn đề là chúng ta áp dụng luật nhưng lại mang tính địa phương cao, điều này đã gây cản trở cho doanh nghiệp. Đây là câu hỏi rất khó cho doanh nghiệp. Việc này ảnh hưởng lớn không chỉ với lĩnh vực bất động sản mà cả môi trường đầu tư tại Việt Nam”, ông Đức nêu quan điểm.
Đặc biệt, theo ông Võ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhà ở Xã hội TP.Hồ Chí Minh, làm nhà ở thương mại đã vất vả, nhưng làm nhà ở xã hội còn khó “trăm bề”. Các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội phải hết sức nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại, trong đó lớn nhất là cơ chế chính sách. Theo đó, các doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội chỉ có lợi nhuận khoảng 10%, nhưng hiện giá bán, đối tượng bán đều phải thông qua Sở Xây dựng. Trong khi đó, có chi phí không đưa vào giá bán được.
Bên cạnh đó, làm nhà ở xã hội lâu hơn, khó hơn nhà ở thương mại, thậm chí, thời gian quá lâu khiến doanh nghiệp không mặn mà. Doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan chức năng nhìn nhận ra vấn đề và tạo cơ chế cho doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và làm nhanh, hiệu quả.
Đối với TP. Hồ Chí Minh, có thể thành lập Ban chuyên về phát triển nhà ở xã hội, trong đó Chủ tịch UBND làm trưởng ban, còn các sở, ngành là thành viên, thường xuyên tiếp xúc doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc. Doanh nghiệp muốn đóng góp phát triển nhà ở xã hội nhưng cũng cần đảm bảo lợi ích.
Về phía ngân hàng, khi cho vay, doanh nghiệp phải chứng minh được dự án có khả năng trả nợ. Một dự án phải bảo đảm các yếu tố pháp lý.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng nhận định, về thực trạng thị trường bất động sản, thời điểm khó khăn nhất là vào tháng 5-6 vừa qua, và bắt đầu có những tín hiệu khả quan từ tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, đà phục hồi còn chậm, và một trong những nguyên nhân quan trọng là tính pháp lý của các dự án, đòi hỏi có thời gian; đặc biệt là có hiện tượng sợ sai, sợ trách nhiệm ở một số bộ ngành, địa phương.
Về những lý do khiến thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi, có thể kể đến như nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc đã được ban hành, như Nghị định sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP về định giá đất chuẩn bị ban hành trong vài tuần tới. Lãi suất đang giảm; nợ và trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn được đàm phán gia hạn, cơ cấu lại, mua lại; Các vụ việc vi phạm đang được xử lý rốt ráo, tạo niềm tin cho thị trường; các doanh nghiệp đang nỗ lực tái cấu trúc, giảm giá bán… Đặc biệt, triển vọng kinh tế Việt Nam đang tốt lên, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.