Giảm mạnh gần 34 điểm, VN-Index mất mốc 1.000

Thị trường chứng khoán trong nước ngày 24/10 tiếp tục có phiên giảm mạnh và để mất ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, phiên này thậm chí số cổ phiếu giảm sàn còn nhiều hơn so với phiên cuối tuần trước.

Thị trường không có phản ứng với nhịp hồi 2 tuần qua của chứng khoán thế giới. Tâm lý nhà đầu tư trong nước hiện xuống rất thấp và “buông xuôi” khi các ngưỡng hỗ trợ bị xuyên qua quá dễ dàng.

Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 33,67 điểm (-3,3%) xuống 986,15 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng sụt 36,69 điểm (-3,63%) còn 973,88 điểm.

Nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt 3,72% và 3,82%.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường chỉ có 45 mã tăng/430 mã giảm, ở rổ VN30 cũng chỉ có 1 mã tăng trong khi có tới 27 mã giảm.

giam manh gan 34 diem vn index mat moc 1000
Rủi ro tiếp tục điều chỉnh của thị trường vẫn ở mức cao.

Các cổ phiếu lớn gây sức ép lên thị trường phiên này là: VHM (-6,99%), BID (-6,9%), SAB (-6,22%), VNM (-3,9%), TCB (-6,99%)… đã lấn át nỗ lực tăng ở các cổ phiếu lớn khác như: PGV (+2,86%), HAG (+3,88%), AGG (+4,2%), FRT (+1,64%), BIC (+3,67%)…

Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE đạt 8.980 tỷ đồng so với mức bình quân 8.400 tỷ đồng của tuần trước. Tổng cộng có 547 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 500 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.

Khối ngoại mua ròng 107,56 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua tập trung ở các cổ phiếu như: FRT, MSN, DCM, VNM, HAG… Ở chiều ngược lại, STB, SAB, VND, HPG, NVL… là những cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.

Công ty CP Chứng khoán MBS cho biết, thị trường để mất ngưỡng tâm lý 1.000 điểm sau 2 năm, áp lực bán ở 2 phiên liên tiếp khiến hàng trăm cổ phiếu giảm sàn đang khiến tâm lý vốn đã yếu có thể trở nên bi quan và mất niềm tin từ nhà đầu tư.

Thị trường trong nước hiện đang ngược dòng chứng khoán thế giới nên khó có thể nói tác động từ bên ngoài khiến thị trường giảm sâu như vậy.

Ở trong nước, mùa báo kết quả kinh doanh quý III cũng không tệ. Tuy vậy, thị trường rất có thể đang chiết khấu cho rủi ro chưa được làm rõ ở phía trước.

Dưới góc nhìn của mình, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index mất 34 điểm phiên đầu tuần, rơi xuống dưới 1.000. Tâm lý tiêu cực kéo dài xuyên suốt phiên giao dịch khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ, giảm xuống khu vực 985 điểm. Lực cầu chỉ le lói xuất hiện về cuối phiên thể hiện rõ tâm lý bi quan của nhà đầu tư với thị trường trước bối cảnh kinh tế đang đối mặt với nhiều yếu tố tiêu cực.

Trước những thông tin tiêu cực về việc tăng lãi suất và tỷ giá, VN-Index giảm mạnh ngay trong phiên sáng với áp lực bán ở toàn bộ các nhóm ngành khiến chỉ số chung liên tục mất điểm về sát khu vực 1.000 điểm. Thanh khoản sụt giảm và lực cầu gần như không xuất hiện đã khiến cho thị trường trở nên ảm đạm và bi quan hơn, xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ về quanh vùng điểm 990 điểm. Sắc xanh chỉ hiếm hoi xuất hiện ở một vài cổ phiếu riêng lẻ thuộc nhóm phân đạm và điện nước như DCM, NT2.

Trái ngược với tâm lý của khối nội, khối ngoại mua ròng với thanh khoản thấp 98 tỷ đồng. Lực cầu le lói xuất hiện vào cuối phiên chỉ giúp VN-Index hồi phục nhẹ trở lại nhưng chưa thể giảm bớt được sự tiêu cực.

Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang nằm trong sóng đẩy 3 sau khi kết thúc nhịp sóng hiệu chỉnh phẳng vào cuối tháng 8. Xét trên thang đo Fibonacci mở rộng tính từ đỉnh đầu tháng 4, VN-Index đã tiến sát vùng điểm 985 điểm tương ứng với ngưỡng 0,786, nếu tình hình không được cải thiện, VN-Index sẽ hướng về ngưỡng 1 tương đương với khu vực 900 điểm. Bên cạnh đó, toàn bộ các chỉ báo đều đang cho tín hiệu tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy thứ 2 trong ngắn hạn.

Chuyên gia phân tích chứng khoán Đinh Thái Huyền Trang cũng cho biết, đường MACD tiếp tục có xu hướng hội tụ đường tín hiệu, cùng sự suy yếu của RSI về dưới 30 thể hiện rủi ro tiếp tục điều chỉnh vẫn ở mức cao. Thanh khoản duy trì trên mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán vẫn khá lớn. Ngưỡng 950 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ tiếp theo cho chỉ số trong các phiên sắp tới.

Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng