Categories Bất động sản

Giảm lãi suất ngân hàng vẫn chưa thể khiến thị trường bất động sản phục hồi

Theo các chuyên gia DKRA Group, việc ngân hàng có dấu hiệu giảm lãi suất, cùng những chủ trương, chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản trong những tháng đầu năm 2023 vẫn chưa thể tác động mạnh mẽ đến thanh khoản của thị trường địa ốc, tâm lý người mua vẫn chờ bắt đáy.

Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TPHCM và vùng phụ cận mới đây của DKRA Group cho thấy, hầu hết các phân khúc của thị trường bất động sản vẫn ảm đạm giao dịch dù nhiều chính sách hỗ trợ thị trường đã được tung ra.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2023, với phân khúc căn hộ toàn thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu) chỉ ghi nhận có 5 dự án căn hộ chung cư mở bán trong tháng 4, tương ứng với 568 căn, giảm 77% so với cùng kỳ; tỷ lệ tiêu thụ đạt 59%, tương đương với 333 căn, giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, chỉ có một dự án mới, còn lại là các chung cư mở bán giai đoạn tiếp theo. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung tại TP.HCM (61%) và Bình Dương (39%). Các địa phương như Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh không có nguồn cung mới.

z4352182789540-c7ab2570a1a07bd2f40cbef616c563c1-1684299171.jpg
Hầu hết các phân khúc của thị trường bất động sản vẫn ảm đạm giao dịch dù nhiều chính sách hỗ trợ thị trường đã được chủ đầu tư tung ra.

Với phân khúc đất nền dự án ghi nhận nguồn cung mới giảm mạnh, chỉ tương đương 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Bình Dương chiếm chủ lực về nguồn cung với tỷ lệ đạt 76,1%. Sức cầu thị trường ở mức thấp chỉ bằng 18% so với tháng 4/2022, tập trung chủ yếu ở các dự án có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2. Các chính sách chiết khấu mạnh tay cho phương án thanh toán nhanh (14% – 20%), hỗ trợ lãi suất/ân hạn nợ gốc… được nhiều chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.

Theo DKRA Group, mặt bằng giá sơ cấp phân khúc đất nền vẫn đi ngang so với lần mở bán trước đó, thị trường thứ cấp không có nhiều biến động về giá so với tháng trước, tuy nhiên thanh khoản vẫn rất trầm lắng.

Còn đối với phân khúc nhà phố và biệt thự, toàn thị trường có 4 dự án (1 dự án mới, 3 dự án giai đoạn tiếp theo) với 51 căn, giảm 97% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 6%, tương đương 3 căn, giảm đến 99,7%. Nguồn cung tập trung chủ yếu tại Long An (49%), Bình Dương (39,2%) và TP.HCM (11,8%). Sức cầu thị trường ở mức rất thấp, chỉ tương đương 0,3% so với tháng 4/2022, trong đó 100% lượng tiêu thụ tập trung tại Long An với 25 căn, TP.HCM và Bình Dương không phát sinh giao dịch trong tháng.

“Hầu hết các phân khúc của thị trường bất động sản vẫn ảm đạm giao dịch dù nhiều chính sách hỗ trợ thị trường đã được tung ra. Theo đó, nhằm kích cầu thị thị trường, trong tháng 4/2023 nhiều dự án được các chủ đầu tư giảm với mức giá trung bình 8-10% so với lần mở bán trước đó (khoảng 6 tháng). Chính sách chiết khấu lên đến 20%, cam kết thuê lại trong vòng 12 tháng, kéo giãn lịch thanh toán cho khách hàng, thậm chí có dự án giảm đến 52% giá bán niêm yết căn hộ cũng được chủ đầu tư ưu tiên áp dụng nhưng vẫn không khả quan”, đại diện DKRA Group cho hay.

Theo các chuyên gia DKRA Group, tín hiệu tích cực từ việc ngân hàng có dấu hiệu giảm lãi suất, cùng những chủ trương, chính sách hỗ trợ cho thị trường trong những tháng đầu năm vẫn chưa thể tác động mạnh mẽ đến thanh khoản của thị trường thời gian qua, người mua vẫn trong tâm lý chờ bắt đáy.

Nhận định tình hình trong quý II, DKRA Group dự báo nguồn cung mới tiếp tục có xu hướng đi ngang so với quý I, dao động khoảng 350-400 căn. Trong đó, Bình Dương sẽ tiếp tục là điểm sáng của thị trường khi tỉnh này dự kiến dẫn đầu về nguồn cung.

Không chỉ vậy, sức cầu của thị trường có thể không có nhiều biến động do những khó khăn chung về tình hình kinh tế. Thị trường bất động sản thứ cấp cũng sẽ không có nhiều đột biến về thanh khoản. Bên cạnh đó, mặt bằng giá bán sơ cấp được dự báo tăng nhẹ so với quý I do tác động bởi chi phí đầu vào.

 

Theo Đức Linh/nhaquanly.vn