Nhiều giải pháp để phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng đã được các chuyên gia đem ra “mổ xẻ” tại Hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng: Thực trạng và giải pháp”, diễn ra ngày 23/6, tại Hà Nội.
Dư địa phát triển lớn
Lĩnh vực vui chơi có thưởng bao gồm đặt cược thể thao, casino và trò chơi điện tử có thưởng là một bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp dịch vụ giải trí, đã và đang được phát triển ở nhiều nước trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của xã hội phát triển đồng thời mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách.
Ở Việt Nam, đầu năm 2017, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực vui chơi có thưởng được hoàn chỉnh ở cấp Nghị định của Chính phủ. Theo đó, 3 loại hình vui chơi có thưởng được phép kinh doanh gồm: đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
Đến nay, đã có 8 doanh nghiệp kinh doanh casino với 61 điểm kinh doanh và một doanh nghiệp kinh doanh đặt cược đua chó được cấp phép và đi vào hoạt động; tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 19 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 4,9 nghìn tỷ đồng.
Một số dự án khác đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang trong quá trình triển khai xây dựng, cho thấy quy mô của thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam còn tiếp tục xu hướng gia tăng.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư nhận định, so với nhiều nước trong khu vực, thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam vẫn còn hết sức nhỏ bé. Đây là lĩnh vực có dư địa phát triển lớn, nếu được khai thác tốt có thể đóng góp cho nhà nước vài tỷ USD mỗi năm, đồng thời tránh “chảy máu” ngoại tệ qua các ổ cá cược đen, bất hợp pháp và qua việc người Việt Nam chơi casino ở nước ngoài.
“Vấn đề đặt ra hiện nay đối với nước ta là làm thế nào để vừa khai thác được dư địa của ngành vui chơi giải trí có thưởng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, vừa đảm bảo được an ninh, trật tự xã hội, tránh được tác động xấu do đam mê quá thể dẫn đến tệ nạn cờ bạc ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân”, ông Tuấn lưu ý.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài (Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, lĩnh vực trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, kinh doanh casino, đặt cược đua ngựa và đua chó và bóng đá quốc tế là một trong những bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp dịch vụ giải trí và không thể thiếu trong các xã hội phát triển.
Tuy vậy, hiệu quả kinh tế từ ngành công nghiệp vui chơi giải trí chưa cao do 3 nguyên nhân chính, gồm: Đối tượng đang hướng đến là cho người nước ngoài; Chúng ta chưa coi đây là ngành kinh doanh chính; Doanh thu còn phụ thuộc nhiều vào số lượng du khách ưa thích lĩnh vực này.
Sớm có khung pháp lý
Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, dịch Covid 19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó du lịch là ngành chịu tác động lớn nhất. Một số dự báo cho rằng nếu du lịch quốc tế được khôi phục vào tháng 8 thì chúng ta có thể đón được khoảng 6 – 7 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, bằng 40% năm 2019, nhưng nếu sự khôi phục kéo dài đến tháng 10 thì chỉ đón được khoảng 5 triệu lượt, đạt 1/4 mục tiêu của năm nay.
Do vậy, để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, GS. Nguyễn Mại cho rằng không thể không xây dựng ngành công nghiệp giải trí, bao gồm: các khu vui chơi, mua sắm buổi tối, các trung tâm giải trí chất lượng cao, các trường đua chó, đua ngựa có đặt cược, các hoạt động thể thao có thưởng và casino.
Tuy nhiên, do nhận thức và quan điểm của số đông vẫn coi đây là lĩnh vực “nhạy cảm”, có liên quan đến cờ bạc không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, có nguy cơ gây thêm tệ nạn xã hội mà chưa có cách tiếp cận đa chiều nên các dự án đầu tư trong lĩnh vực này còn rất hạn chế hoặc có nhưng kết quả kinh doanh quá khiêm tốn.
“Cần có một tổ chức xã hội để những doanh nghiệp tham gia ngành này có thể hợp tác, điều chỉnh để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Đây là vấn đề cần thiết, và chúng tôi sẽ tổ chức một hiệp hội nhằm thu hút các doanh nghiệp, kết nối để hoạt động vui chơi giải trí trở nên mạnh mẽ hơn”, GS-TSKH. Nguyễn Mại đề xuất.
Ngoài ra, ông Mại cho rằng nguyên nhân kết quả thu về còn khiêm tốn là do chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và tổ chức dịch vụ vui chơi có thưởng, trong khi ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, bên cạnh đó, tổ chức và cơ chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động này còn khá bất cập.
“Đã đến lúc cần coi đây là lĩnh vực mà nếu được quản lý bởi một tổ chức đủ mạnh thì có thể khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng to lớn của lĩnh vực này, góp phần thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19”, ông Mại nói.
Đúc kết kinh nghiệm nhiều năm tham gia trực tiếp vào các hoạt động trong lĩnh vực vui chơi có thưởng với tư cách là nhà tổ chức và điều hành, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ủng hộ quan điểm nên mở cửa cho tất cả các loại hình vui chơi có thưởng nói chung và cá cược thể thao nói riêng.
Tuy nhiên theo ông, các cánh cửa cũng cần phải có lưới phù hợp để ngăn chặn sự xâm nhập của những phần tử có hại, gây tác động xấu đến văn hóa – xã hội.
Bên cạnh đó, ông Mỹ cũng cho rằng, nên quản lý cá cược thể thao bằng công nghệ 4.0 bởi đây là xu thế tất yếu đảm bảo chính xác, minh bạch, an toàn và chống thất thu ngân sách.
Chia sẻ góc nhìn từ một nhà đầu tư nước ngoài, ông Michael Efron, Chủ tịch kiêm CEO Vietnam Sport Player cho hay, công ty của ông đã tham gia lĩnh vực thể thao đua ngựa từ 1977, do đó đã làm việc với nhiều công ty, CLB đua ngựa lớn ở Australia, và có nhiều kinh nghiệm về cá cược đua ngựa và thể thao.
“Trong suốt 15 năm qua, tôi có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ trường đua ngựa ở các quốc gia trên thế giới như Singapore, Philippines. Chúng tôi cũng hỗ trợ hoàn thiện thể chế pháp luật cho các chính phủ”, ông Michael Efron nói.
Ông Michael Efron chia sẻ, ở Australia, công ty của ông thành lập một ủy ban phi chính phủ, chia ra 3 lĩnh vực quản lý: thể thao, đua ngựa và casino. Ủy ban này sẽ đưa ra những góp ý đề xuất cho chính phủ để xây dựng hệ thống pháp luật đối với các lĩnh vực này một cách minh bạch và hiệu quả nhất có thể.
Theo Thái Hoàng/Thời báo Ngân hàng