Nhu cầu du lịch của người dân tăng nhanh giữa cao điểm hè 2022 khiến giá vé máy bay tới nhiều điểm đến nổi tiếng liên tục xác lập đỉnh.
Bước vào cao điểm du lịch hè 2022, giá vé máy bay nội địa của các hãng hàng không ghi nhận biến động từng ngày, từng giờ. Khảo sát của Thoibaonganhang.vn trên website của các hãng hàng không cũng như các trang đặt vé máy bay trực tuyến cho thấy, giá vé của nhiều chặng bay từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8/2022 đến các điểm du lịch đều đã tăng mạnh, hầu như không còn giá rẻ dưới 1 triệu đồng/chặng, có những chặng bay đã tăng từ 20- 30% so với tháng trước.
Đơn cử, với chặng bay Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, chị Minh Hường (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết, tháng trước chị dễ dàng đặt được vé với giá rất hợp lý chỉ khoảng gần 2 triệu đồng/khứ hồi. Do có công việc đột xuất trong tháng 7 chị phải đặt gấp vé vào TP. Hồ Chí Minh nhưng giá vé quá cao nên ngần ngại chưa đặt. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau kiểm tra lại, giá vé đã tăng thêm gần 1 triệu đồng/khứ hồi, đắt gần gấp đôi so với tháng trước nên chị buộc phải đặt ngay vì sợ số tiền sẽ tiếp tục tăng lên.
Đặc biệt, các chuyến bay từ Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh đến các điểm du lịch nổi tiếng tiếp tục đạt đỉnh. Hiện giá vé khứ hồi hành trình Hà Nội – Cam Ranh chiều đi ngày 13/7, chiều về ngày 14/7 (đã bao gồm thuế phí) của hãng Vietjet Air có giá hơn 6 triệu đồng/khứ hồi, Bamboo Airways bán vé với giá 6,4 triệu đồng/khứ hồi, Vietnam Airlines bán 6,7 triệu đồng/khứ hồi. Một hành trình khứ hồi khác có giá vé khác biệt rõ rệt giữa các hãng là Hà Nội – Côn Đảo có thời điểm đã chạm mốc 10 triệu đồng/khứ hồi…
Bàn về việc giá vé giá máy bay liên tục tăng cao trong thời gian này, một chuyên gia nhìn nhận, sau lượt tăng giá xăng dầu liên tiếp trong thời gian qua thì giá vé máy bay buộc phải tăng theo là điều tất yếu vì nhiên liệu đang chiếm 40% tổng chi phí khai thác của các hãng bay. Bên cạnh đó, chi phí cho lao động trong ngành hàng không tăng cao cũng buộc các hãng hàng không phải tăng giá vé để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, vì mất nguồn lao động đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh bị gián đoạn. Chính vì vậy cơ hội săn vé máy bay với giá hợp lý của người dân đang ngày càng trở nên khó khăn, nhất là trong dịp cao điểm hè.
Do đó, một số chuyên chuyên gia đề xuất, cần từng bước nới lỏng giá trần để các hãng hàng không linh hoạt giá vé hơn, với nhiều dải giá từ mức thấp đến cao tùy thuộc điều kiện vé, thời điểm xuất vé và điều kiện thị trường, giúp các doanh nghiệp hàng không chủ động điều chỉnh kịp thời khi giá nhiên liệu biến động trong thời gian tới.
Trước lo ngại việc điều chỉnh mức giá trần vé máy bay đồng nghĩa với tăng giá vé máy bay đồng loạt, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, nâng hoặc bỏ giá trần vé máy bay thời điểm này là hợp lý, vì thị trường hàng không Việt Nam hiện nay có nhiều hãng hoạt động cạnh tranh, hãng nào nâng giá lên cao quá sẽ mất khách hàng.
Theo Hương Giang/Thời báo Ngân hàng