Ngược chiều với kỳ vọng đi lên của giới đầu tư, giá vàng quốc tế lúc 6 giờ ngày 12-9 có giá 1.941 USD/ounce, giảm 3 USD/ounce so với mức cùng thời điểm hôm trước.
Do đây là phiên giao dịch cuối cùng của tuần lễ thứ 2 của tháng 9-2020 nên người “chơi vàng” giao dịch có phần thận trọng. Giá vàng thế giới trong ngày 11 đến rạng sáng 12-9 biến động không nhiều, từ 1.945 USD/ounce lao xuống 1.936 USD/ounce rồi vọt lên 1.948 USD/ounce, sau đó đóng cửa tại mức 1.941 USD/ounce.
Riêng giá vàng tại Việt Nam ngày 11-9 biến động xoay quanh 56,65 triệu đồng/lượng, tiếp tục cao hơn giá thế giới hơn 2 triệu đồng/lượng. Dự báo, trong ngày 12-9, giới kinh doanh công bố giá vàng SJC khác biệt không nhiều so với hôm trước.
Nếu tính trong 5 phiên giao dịch gần nhất (từ ngày 7 đến đầu ngày 12-9), giá vàng thế giới chỉ tăng 5 USD/ounce, từ 1.936 USD/ounce lên 1.941 USD/ounce. Còn giá vàng trong nước thì tăng 150.000 đồng/lượng, từ 56,5 triệu đồng/lượng lên 56,65 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng rất ít khi thị trường chưa có động lực giao dịch đủ mạnh. Trong khi đó, các yếu tố thường tác động đến vàng như đồng USD, giá dầu thô, cổ phiếu tăng giảm thất thường. Tuy nhiên, giới đầu tư chưa dừng lại việc bỏ vốn vào vàng. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 11-9, nhiều tổ chức tài chính quốc tế mua vàng dù số lượng nhỏ. Còn quỹ đầu tư vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Shares đứng ngoài thị trường sau khi đã mua 3 tấn vàng ngày 10-9.
Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng các nguyên nhân khiến giới đầu tư còn đổ tiền vào vàng, để trú ẩn trong ngắn hạn lẫn dài hạn là tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19, lãi suất trên toàn cầu cực thấp và khả năng lạm phá gia tăng trong tương lai.
Đơn cử, Mỹ vừa hủy bỏ kế hoạch bổ sung thêm gói hỗ trợ dịch bệnh trị giá 300 tỉ USD, để có thêm thời gian tính toán tung ra gói hỗ trợ lớn hơn. Ngân hàng trung ương châu Âu duy trì lãi suất âm. Tại phiên họp vào ngày 16-9 tới, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất 0%.