Do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cùng việc ký kết hiệp định EVFTA, nhu cầu cho đất công nghiệp tăng tại một số khu công nghiệp ở Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương, giá thuê tăng 20-30% so với năm trước.
Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng mạnh
Báo cáo mới nhất của CBRE về thị trường bất động sản quý III/2020 cho thấy, tổng diện tích đất của các khu công nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố công nghiệp chính miền Bắc, bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, đạt 13.800 ha, với 9.600 ha đất công nghiệp cho thuê.
Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp duy trì ở mức tích cực 78%. Trong đó, các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%. Phần lớn đất công nghiệp còn trống tại các điểm công nghiệp chính nằm tại Hải Phòng và Hưng Yên.
Do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cùng việc ký kết hiệp định EVFTA, nhu cầu cho đất công nghiệp tăng tại tất cả các tỉnh thành. CBRE ghi nhận giá thuê tại một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương tăng từ 20-30% so với năm trước.
Về tình hình hoạt động của thị trường xưởng và kho xây sẵn, CBRE đánh giá không thay đổi so với năm trước, do nhiều nguồn cung đồng loạt được chào thuê trong năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2020 cùng sự gián đoạn hoạt động thuê do hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của thương mại điện tử và các công ty logistics kể từ khi Covid-19 bùng phát đã tạo nên nhu cầu lớn về không gian lưu trữ và mạng lưới phân phối. Do đó, nhu cầu tìm quỹ đất để phát triển các cơ sở logistics đã tăng lên đáng kể.
Các loại hình sản phẩm đặc thù như kho được kiểm soát nhiệt độ và kho cao tầng được dự báo sẽ xuất hiện và phát triển để đáp ứng nhu cầu phân phối thực phẩm tươi sống và tạo ra không gian lưu trữ lớn hơn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử tại các vị trí đắc địa.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, CBRE ghi nhận sự gia nhập của nhiều khách thuê lớn trong lĩnh vực điện tử, bao gồm doanh nghiệp sản xuất điện thoại ở một khu công nghiệp tại Bắc Ninh (100ha) và Pegatron ở Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng 2.
Đại diện CBRE cho biết, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng được dự báo sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu bất động sản trong thời gian tới, và nhiều khách thuê lớn khác cũng sẽ đến và tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Với diện tích đất công nghiệp hạn chế và giá chào thuê cao tại các trung tâm công nghiệp hiện có, các khách thuê và nhà đầu tư có thể sẽ tìm đến các lựa chọn khác tại các khu vực lân cận.
“Các chủ đầu tư cũng sẽ cạnh tranh để giữ chân khách thuê lớn bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại trong vận hành cơ sở vật chất, cũng như cung cấp đầy đủ các dịch vụ như pháp lý và nhân sự để hỗ trợ khách thuê trong quá trình triển khai dự án”, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn Phát triển và Thẩm định giá của CBRE Hà Nội cho biết.
Giá nhà chung cư sẽ ổn định trong quý IV
Đối với phân khúc chung cư, trong chín tháng đầu năm 2020, thị trường Hà Nội ghi nhận 10.700 căn mở bán mới, giảm 61% theo năm; trong đó, quý III/2020 ghi nhận 3.500 căn mở bán mới.
Theo bà Nguyễn Hoài An, trong quý III/2020, chỉ có các sản phẩm từ phân khúc trung cấp và bình dân mở bán với số lượng tương đối cân bằng, chiếm lần lượt 51% và 49% tổng số căn mở bán trong quý. Phần lớn các dự án mở bán trong quý III/2020 là các dự án nhỏ và vừa, nằm ngoài đường vành đai 3.
Với lượng mở bán thấp hơn, doanh số bán trong quý III/2020 đã vượt lượng mở bán mới. Mặc dù hoạt động bán hàng và tiếp thị dự án bị gián đoạn trong quý do làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, thị trường ghi nhận 4.200 căn bán được trong quý, cao hơn 20% so với lượng mở bán mới.
Giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý III/2020 được ghi nhận trung bình ở mức tương đương 1.325 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), giảm 4% theo năm do tỷ trọng các dự án bình dân mở bán trong quý cao hơn.
Trong năm 2020, nguồn cung chào bán mới dự kiến dao động trong khoảng từ 14.000 – 16.000 căn, cho phép doanh số bán hàng bắt kịp nhanh hơn. Mức giá sơ cấp được dự báo sẽ ổn định trong quý cuối năm do nguồn cung từ phân khúc trung cấp vẫn thống lĩnh thị trường và mức cạnh tranh cao hơn ở phân khúc này.
“Thị trường Hà Nội đang do các chủ đầu tư miền Bắc thống lĩnh. Trong thời gian tới, chúng tôi kì vọng thị trường Hà Nội sẽ có những diễn biến mới, với các dự án được đầu tư bởi các chủ đầu tư đến từ miền Nam và các chủ đầu tư nước ngoài”, bà Nguyễn Hoài An nói.
Theo Hồng Hạnh/Thời báo Ngân hàng