Từ đầu tuần này, các nhà sản xuất thép lần lượt thông báo giảm giá bán từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng/tấn tùy loại.
Công ty thép Hòa Phát thông báo giảm khoảng 810.000-819.000 đồng/tấn giá thép cuộn CB240 so với ngày giao dịch trước đó 5/6, về mức 17,2-17,25 triệu đồng/tấn trên toàn quốc.
Trong khi đó, giá thép D10 CB300 có giá 17,05-17,31 triệu đồng/tấn, giảm 500.000-510.000 đồng/tấn. Đến nay, giá bán các loại thép của thương hiệu này vẫn được duy trì ổn định.
Tương tự, thép Tung Ho và Việt Ý cũng giảm khoảng 500.000-800.000 đồng/tấn giá bán các loại thép, chỉ còn 17,31 triệu đồng/tấn thép cuộn và 16,85-17,05 triệu đồng/tấn thép thanh.
So với mức đỉnh cách đây gần một tháng, hiện mỗi tấn thép cuộn đã giảm hơn 1 triệu đồng, còn thép thanh cũng hạ khoảng 500.000-800.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao gấp 1,5 lần thời điểm quý III/2020.
Xu hướng hạ nhiệt của giá thép trong nước xuất hiện ngay sau khi giá thép giao kỳ hạn đến tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm nhẹ hôm 7-8/6, xuống mức 4.979 Nhân dân tệ/tấn, tức gần 17,9 triệu đồng/tấn. Thực tế, giá thép tại Trung Quốc đã trượt dốc từ tuần trước do nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu chậm lại.
Những ngày gần đây, giá các nguyên liệu như quặng sắt, phôi, than cốc… vốn chiếm 70-80% giá thành sản xuất thép, cũng đang giảm dần.
Giá quặng sắt kỳ hạn chuẩn trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) đã giảm 3 phiên liên tiếp về mức thấp nhất từ đầu tháng 6, trong khi hợp đồng quặng sắt giao tháng 7 tại thị trường Singapore cũng còn 190 USD/tấn, giảm 2%.
Thời gian qua, trong bối cảnh giá thép liên tục leo thang, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai họp bàn và đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp.
Mới đây nhất, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết đã có ý kiến báo cáo Chính phủ về vấn đề này và đưa ra một số kiến nghị để bình ổn giá thép.
Đồng thời, bộ cũng đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) rà soát các vấn đề nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí, tăng nguồn cung, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng mà trong nước đang có nhu cầu.
Trong khi đó, VSA cũng có công văn khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, phối hợp nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, phân phối nội địa với chi phí tiết giảm.
Hiện Hiệp hội cũng đang khảo sát năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp thành viên để đánh giá đúng thực trạng ngành, qua đó tham vấn ý kiến cho các cơ quan quản lý cải thiện cơ chế chính sách nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo B.N/Thời báo Ngân hàng