Giá Bitcoin đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm qua. Nhưng giới quan sát cho rằng cho đến khi Mỹ kiểm soát được lạm phát, đồng tiền này sẽ vẫn còn chịu sức ép lớn.
Giá Bitcoin hôm 12/5 lao dốc xuống dưới mức 27.000 USD/đồng khi đà bán tháo lan rộng. Cụ thể, theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcoin có thời điểm giảm còn 26.300 USD/đồng, đánh dấu ngưỡng thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Tính đến 15h30, giá đã phục hồi phần nào lên 27.847 USD/đồng, nhưng vẫn giảm 8,62% so với 24 giờ trước đó.
Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 530 tỷ USD. Các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, khối lượng giao dịch tăng vọt 56,52% so với 24 giờ trước đó lên 85 tỷ USD. Như vậy, so với mức kỷ lục 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11/2021, giá Bitcoin đã sụt giảm hơn 60%.
Áp lực lạm phát
Các đồng tiền mã hóa khác cũng chìm trong sắc đỏ. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa lao dốc 14,18% xuống 1.170 tỷ USD. Giá Ether – đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 – chứng kiến mức giảm 19,3% sau một ngày xuống còn 1.892 USD/đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Theo giới quan sát, đà bán tháo đã lan rộng trên thị trường tiền mã hóa và cổ phiếu sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố số liệu mới về lạm phát trong tháng 4. Những con số này cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải hành động mạnh tay hơn để ngăn giá cả leo thang.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 đã tăng 8,3% so với một năm trước đó, cao hơn mức dự báo 8,1% của Dow Jones.
Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi vẫn tăng 6,2%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo.
Để đối phó với lạm phát, các quan chức FED đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay và cam kết sẽ tiếp tục để hạ nhiệt giá cả. Mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ trong năm nay là 2%.
Vào giữa tuần trước, FED đã nâng lãi suất chuẩn thêm 0,5 điểm phần trăm vào giữa tuần trước, mức tăng lớn nhất trong vòng 22 năm qua. Trong tháng 3, cơ quan này cũng tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần nâng lãi suất đầu tiên kể từ cuối năm 2018.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, các dữ liệu trong tháng 4 cho thấy cơ quan này sẽ còn nhiều việc phải làm.
“Các thị trường đã kỳ vọng vào một con số tốt hơn. Và kết quả này sẽ khiến FED phải tiếp tục hành động mạnh tay.”, bà Kathy Jones – chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Charles Schwab – bình luận.
Các thị trường chứng khoán Mỹ cũng đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày 11/5. Đóng cửa phiên, chỉ số NASDAQ – thiên về công nghệ – mất 373,43 điểm, tương đương 3,18%, còn 11.364. Chỉ số Dow Jones lao dốc 1,02% xuống 31.864,11.
Còn chỉ số S&P 500 giảm 65,87 điểm, tương đương 1,65%, xuống 3,935. Đây là lần thứ 2 trong vòng một năm qua, chỉ số này đóng cửa dưới ngưỡng 4.000. Lần đầu tiên xảy ra trong đợt bán tháo hôm 9/5.
Nhà đầu tư dè chừng
“Tiền mã hóa có mối tương quan chặt chẽ với S&P 500 và NASDAQ. Các loại tài sản rủi ro đang chịu sức ép lớn từ việc lãi suất tăng cao. Các nhà đầu tư không còn mặn mà với những tài sản này”, ông Craig Erlam – nhà phân tích cấp cao tại UK & EMEA OANDA (có trụ sở ở London) – bình luận với Zing.
Trong vòng 2 năm qua, các chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ của những ngân hàng trung ương lớn trên khắp thế giới đã giúp tiền mã hóa và các loại tài sản rủi ro khác tăng trưởng phi mã.
Lãi suất thấp kỷ lục giúp chi phí cơ hội của những tài sản rủi ro như Bitcoin và cổ phiếu công nghiệp giảm đi, thu hút dòng tiền của giới đầu tư đổ vào các loại tài sản này.
“Thị trường tiền mã hóa đã chịu sức ép lớn trong thời gian qua. FED tiếp tục nâng lãi suất, khiến chứng khoán đi xuống và kéo tiền mã hóa sụt giá theo. Đà giảm khiến thị trường hoảng loạn”, chuyên gia Michael Rinko tại AscendEx bình luận.
Trong tuần qua, đây là lần thứ 2 giá Bitcoin rơi khỏi ngưỡng quan trọng 30.000 USD/đồng. Giới quan sát cho rằng đó là mốc quan trọng đối với đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Nếu rơi xuống dưới ngưỡng này, giá sẽ tiếp tục lao dốc không phanh.
Lo ngại cũng tràn ngập thị trường tiền mã hóa sau những tin xấu về dự án của Terra. Đồng tiền số ổn định (stablecoin) TerraUSD của dự án này đã bất ngờ giảm gần 100% trong tuần qua.
“Sự sụp đổ của TerraUSD khiến nỗi lo ngại phình to, nhất là khi hầu hết tổ chức đầu tư đã đổ tiền vào tiền mã hóa hồi năm ngoái hiện đều thua lỗ”, ông Edward Moya – chuyên gia tài chính tại The Americas OANDA (có trụ sở ở Mỹ) – nhận định với Zing.
“Bitcoin vẫn rất dễ tổn thương bởi áp lực bán, nhất là khi ngưỡng quan trọng 28.500 USD/đồng đã bị phá vỡ”, ông cảnh báo.
Theo Thảo Phương/Zingnews.vn