Các khoản cho vay có vấn đề tại nhiều ngân hàng đang tăng lên khiến chất lượng tài sản suy giảm, ảnh hưởng đến an toàn vốn theo Basel II.
Theo báo cáo của Tổ chức Fitch Ratings (Fitch) công bố ngày 6/5, nợ quá hạn của các ngân hàng Việt Nam tăng lên do tác động của dịch Covid-19, khiến nhiều ngân hàng đối mặt với sự thâm hụt vốn và giảm lợi nhuận khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Khi dịch bệnh xảy ra đã gia tăng tình trạng thất nghiệp, gây áp lực không nhỏ cho những khoản nợ vay, làm ảnh hưởng tới chất lượng tài sản và lợi nhuận ngân hàng, đặc biệt là những thành viên đã tăng trưởng nóng ở phân khúc cho vay bán lẻ và cho vay tiêu dùng những năm gần đây.
Dịch bệnh Covid-19 khiến tăng trưởng GDP trong quý đầu năm nay của Việt Nam chỉ ở mức 3,8%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2013. Fitch dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức 3,3% so với mức tăng trưởng 7% của năm 2019, sau đó phục hồi ở mức 7,3% vào năm 2021.
Fitch cho rằng nợ quá hạn của các ngân hàng sẽ gia tăng vì kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khi nhu cầu về hàng hoá trên thế giới giảm đi.
TạiViệt Nam, gần 5 triệu người, hoặc gần 10% dân số trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh và trong số đó đã bị mất việc làm. Đây là những tín hiệu làm tăng rủi ro cho vay bán lẻ của ngân hàng. Với những ngân hàng (được Fitch xếp hạng) các khoản cho vay bán lẻ đã tăng gần gấp đôi từ mức 23% cuối năm 2014 lên tới 40% cuối năm 2019, và nợ quá hạn đã tăng tới 45% trong quý I/2020 so với cuối năm 2019.
Các khoản cho vay bán lẻ của ngân hàng chủ yếu là cho vay thế chấp và cho vay kinh doanh cá nhân và thường được đảm bảo bằng tài sản, (tài sản đảm bảo sẽ giúp ngân hàng lấy lại vốn trong trường hợp khách hàng không trả được nợ). Tuy nhiên, quá trình giải quyết nợ xấu có thể bị kéo dài và bị cản trở bởi khung luật pháp đang hoàn thiện.
Hơn nữa, những căng thẳng về tín dụng của hệ thống ngân hàng làm cho khả năng sinh lợi yếu đi và rủi ro vốn tăng lên khi chi phí tín dụng tăng.
Giống như nhiều ngân hàng trong khu vực, một số ngân hàng Việt Nam đã áp dụng các biện pháp ưu tiên để tăng cường bảo vệ bảng cân đối kế toán, mặc dù, các biện pháp cứu trợ cho phép các ngân hàng duy trì các khoản cho vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như trước khi khủng hoảng xảy ra.