Festival Hoa Đà Lạt: Sự kiện văn hóa hấp dẫn và cơ hội việc làm cho hàng nghìn NLĐ

Festival Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) lần thứ IX – năm 2022 kéo dài trong 2 tháng với nhiều chương trình mới lạ.Đây không chỉ là sự kiện văn hoá hấp dẫn du khách mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động (NLĐ).

Festival Hoa Đà Lạt: Sự kiện văn hóa và cơ hội việc làm
Nhiều tiểu cảnh tại thành phố Đà Lạt được trang trí mới, lạ và hấp dẫn. Ảnh BLĐ

Sự kiện văn hóa hấp dẫn

Theo thông tin từ Ban tổ chức, với chủ đề “Đà Lạt – Thành phố bốn mùa hoa”, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX có nhiều điểm nhấn và khác biệt so với các lần tổ chức trước đây.

Theo đó, thời gian tổ chức Festival Hoa lần này là 2 tháng, từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12/2022, thay vì chỉ gói gọn trong khoảng một tuần như các Festival Hoa các năm trước và phạm vi tổ chức dàn trải ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh.

Những chương trình, sự kiện chính được tổ chức chủ yếu ở trung tâm thành phố Đà Lạt mà chủ đạo là không gian xung quanh Hồ Xuân Hương và khu vực Quảng trường Lâm Viên. Ngoài các chương trình chính diễn ra chủ yếu ở Đà Lạt, tại thành phố Bảo Lộc và các huyện trong tỉnh cũng diễn ra hơn 40 chương trình hưởng ứng trong suốt thời gian tổ chức Festival Hoa như: Hội thi duyên dáng áo dài hoa, triển lãm và trưng bày giới thiệu các sản phẩm nông sản, lễ hội rượu vang,…

Festival Hoa Đà Lạt: Sự kiện văn hóa và cơ hội việc làm
Đưa dù lượn vào phục vụ du lịch làm phong phú sản phẩm du lịch trong dịp Festival Hoa Đà Lạt . Ảnh: BLĐ

Đặc biệt Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX – năm 2022 có 9 chương trình chính được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội gồm: Hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Nguyên, kết hợp triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chương trình nghệ thuật đặc biệt công bố Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX – năm 2022; chương trình nghệ thuật chào năm mới 2023; chương trình đại nhạc hội chào mừng Festival Hoa; chương trình nghệ thuật “Khát vọng Đà Lạt”; trưng bày triển lãm hoa và cây có hoa quốc tế; không gian hoa; chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc – Hương trà, Sắc tơ”; trình diễn thời trang Tơ lụa – Con đường di sản và không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên”.

Cùng với đó là nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như: Trưng bày, giới thiệu, quảng bá đặc sản Đà Lạt; giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế Đà Lạt – Chuncheon (Hàn Quốc); lễ hội khinh khí cầu; “Đà Lạt – Du lịch những làng hoa”; giải golf; canaval đường phố; hội chợ thương mại trưng bày sản phẩm trà, tơ lụa, đặc sản địa phương Bảo Lộc,…

Hay các chương trình, hoạt động đặc sắc văn hóa Tây Nguyên hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt sẽ được triển khai tại huyện Lạc Dương như: Mùa hội cỏ hồng; liên hoan ẩm thực cồng chiêng; lễ hội đua ngựa không yên tại xã Đa Nhim…

Festival Hoa Đà Lạt: Sự kiện văn hóa và cơ hội việc làm
Biểu diễn tơ lụa Bảo Lộc tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ XIII. Ảnh: BLĐ

Cơ hội việc làm cho người lao động

Đến nay, Phố hoa đã sẵn sàng vào hội, hơn “60 ngày hoa” với nhiều chương trình mới lạ, hấp dẫn, phong phú, Festival Hoa Đà Lạt 2022 hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn trong dịp cuối năm. Sự kiện văn hoá này cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm mới, thu nhập cho NLĐ trong các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, và cả trong các hợp tác xã, lao động tiểu thương và lao động tự do, khu vực không có quan hệ lao động,…

Đồng chí Võ Ngọc Hải, Trưởng phòng Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo tổng hợp của đơn vị này, mỗi mùa Festival Hoa Đà Lạt đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Bởi để tổ chức chuỗi các chương trình, hoạt động, sự kiện trong thời gian diễn ra Festival Hoa thì cần có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản và cả các nhà vườn trồng rau, hoa…

“Trước mỗi kỳ tổ chức Festival Hoa Đà Lạt, hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà vườn đều đầu tư nguồn lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc nâng cấp, cải tiến dịch vụ, sản phẩm hàng hóa…Vì vậy nhu cầu tuyển dụng thêm lao động là rất lớn, nhất là lao động có chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề. Đây chính là thời gian cao điểm trong năm về giải quyết việc làm cho NLĐ trên địa bàn tỉnh”, đồng chí Võ Ngọc Hải nói.

Anh Trần Văn Đoàn, chủ một nhà hàng tại trung tâm thành phố Đà Lạt cho biết, ngoài nâng cao chất lượng dịch vụ, nhà hàng đã chuẩn bị một số món ăn được chế biến từ các loại rau, củ, quả mang nét riêng của Đà Lạt giới thiệu đến thực khách.

Anh Trần Văn Đoàn cũng phấn khởi chia sẻ: “Để phục vụ du khách đến với Festival Hoa lần này, chúng tôi đã đầu tư mở thêm một chi nhánh nữa nên cũng đang có nhu cầu tuyển dụng thêm mấy chục lao động, từ nhân viên chế biến, phục vụ bàn, thu ngân đến lao động phổ thông dọn dẹp, vệ sinh, bảo vệ,…”.

Còn chị Nguyễn Hoàng Lan, chủ nhà vườn ở “Làng hoa Thái Phiên”, Phường 12, thành phố Đà Lạt thì cho hay, chị và các hộ trồng hoa ở đây rất vui mừng vì Festival Hoa năm nay được tổ chức kéo dài trong 2 tháng, thời tiết lại rất thuận lợi nên làng hoa của chị có cơ hội để đón tiếp nhiều du khách đến tham quan. Trước đó, từ tháng 6, tháng 7, các hộ trồng hoa đã thuê mướn thêm lao động, xuống giống nhiều loại hoa mới, đẹp, lạ, chăm sóc đúng kỹ thuật để hoa nở đúng dịp lễ hội và giữ được thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

“Nhà nào ít thì cũng thuê thêm một vài lao động, nhà nhiều vườn thì thuê thêm cả chục người. Nhà mình cũng mướn thêm 3 người làm từ 2 tháng đổ lại đây, chắc là phải đến hết mùa hoa tết năm nay mới ngưng”, chị Nguyễn Hoàng Lan cho biết.

Festival Hoa Đà Lạt: Sự kiện văn hóa và cơ hội việc làm
Năm nay, các hộ trồng hoa đã thuê mướn thêm lao động, xuống giống nhiều loại hoa mới, đẹp, lạ, chăm sóc đúng kỹ thuật để hoa nở đúng dịp lễ hội và giữ được thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Ảnh: BLĐ

Không chỉ có các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản và cả các nhà vườn trồng rau, hoa háo hức chào đón Festival Hoa mà những NLĐ hoạt động trong các dịch vụ liên quan cũng rất đón đợi dịp này.

Anh Nguyễn văn Thắng, một người chạy xe ôm chia sẻ với chúng tôi, quê anh ở tận Phú Thọ, được người thân ở Đà Lạt giới thiệu và giúp đỡ, anh đã vào đây làm nghề xe ôm từ 2 tháng nay. Anh Thắng đã đăng ký gia nhập hệ thống xe ôm công nghệ (Grap) để có lượng khách ổn định và cũng là tuân thủ quy tắc vận chuyển khách theo phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa – Thanh lịch – Mến khách”.

Anh Thắng hào hứng khoe: “Từ khi diễn ra các sự kiện của chương trình Festival Hoa, tôi và anh em chạy xe ôm ở đây có việc làm nhiều hơn và thu nhập khá ổn định; hết mùa Festival Hoa, tôi cũng tính toán để làm lâu dài và lập nghiệp ở đây”.

Cùng với các chương trình văn nghệ, vui chơi, giải trí, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản mang thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, hoa là chủ thể chính đang được chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chuẩn bị trong dịp Festival Hoa này. Đây không chỉ là sự kiện văn hóa hấp dẫn du khách mà còn tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn NLĐ với thu nhập ổn định.

Theo Đỗ Thiệm/Lao động&Công đoàn

Print Friendly, PDF & Email