Ế khách sau Tết, ngành đường sắt cắt giảm thêm nhiều đoàn tàu để bớt lỗ

Sau Tết Nguyên đán, lượng khách đi tàu vẫn rất “bết bát” do tâm lý lo ngại dịch bệnh Covid-19, ngành đường sắt tiếp tục cắt giảm hàng loạt mác tàu để “cắt” lỗ.

Bóng ma Covid-19 “ám” ngành đường sắt

Nhu cầu đi lại sau Tết Nguyên đán trên tuyến đường sắt Bắc-Nam của hành khách liên tiếp sụt giảm, dù ngành đường sắt đã thực hiện nhiều biện pháp để “vớt vát” nhưng vẫn không hiệu quả. Đường sắt lại phải tiếp tục cắt giảm nhiều đoàn tàu Thống Nhất chạy hàng ngày và nhiều mác tàu khu đoạn do vắng khách vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Bóng ma Covid-19 đang tiếp tục “ám” ngành đường sắt Việt Nam trong năm 2021

Cụ thể, đường sắt sẽ dừng chạy tàu SE9 xuất phát ga Hà Nội từ ngày 21/2 và tàu SE10 xuất phát ga Sài Gòn từ ngày 19/2. Tại ga Hà Nội sẽ dừng chạy tàu SE19 các ngày từ 17-21/2; tàu SE5 các ngày từ 22-28/2. Tại ga Sài Gòn sẽ dừng chạy tàu SE20 các ngày từ 19-23/2; tàu SE6 các ngày từ 20-28/2.

Trên các tuyến địa phương, ngành đường sắt dừng chạy tàu SP3, SP4 tuyến Hà Nội-Lào Cai gồm tàu SP3 các ngày 19 và 26/2; tàu SP4 các ngày 21 và 28/2. Tuyến Hà Nội-Yên Bái dừng chạy đôi tàu YB3/YB4 các ngày 18 và 19/2.

Tuyến Hà Nội-Vinh, dừng chạy tàu NA1 các ngày từ 19-21/2, hành khách đi tàu NA1 sẽ chuyển sang đi tàu SE1; dừng chạy tàu SE35 các ngày từ 19-21/2, hành khách đi tàu SE35 sẽ chuyển sang đi tàu SE9.

“Hành khách có vé những ngày tàu dừng chạy và không đi tàu cần trả vé cho nhà ga trước giờ tàu chạy ghi trên vé ít nhất 24 giờ”, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng việc đi lại của hành khách, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có thông báo thay đổi và bãi bỏ hành trình của một số đoàn tàu trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Những chuyến tàu thưa vắng sau Tết.
Những chuyến tàu thưa vắng sau Tết

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, VNR tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn cho hành khách đi tàu như thực hiện việc phun khử trùng trên tàu, dưới ga thực hiện giãn cách đối với hành khách tại phòng đợi và khi xếp hàng lên tàu; bố trí giãn cách đảm bảo an toàn trên các toa tàu…

Tại các nhà ga, ngành đường sắt tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn bố trí dung dịch rửa tay, sát khuẩn và thực hiện việc đo thân nhiệt cho hành khách khi vào ga lên tàu.

Tại các vị trí tiếp xúc nhiều ở khu vực phục vụ hành khách trong nhà ga, thực hiện 3 giờ vệ sinh sát khuẩn 1 lần; đối với các vị trí trên tàu thực hiện vệ sinh sát khuẩn 30 phút/lần… Đặc biệt, tại các nhà ga và trên các đoàn tàu, phía VNR đều bố trí khu vực cách ly khi có trường hợp hành khách bị sốt hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

Tái cơ cấu để không “chết chìm”

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, dù gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến dịch bệnh phức tạp, lượng hành khách có nhu cầu trả vé tăng cao khiến ngành đường sắt gặp không ít khó khăn, song để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và đảm bảo an toàn phòng dịch, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn duy trì chạy tàu trên các tuyến, đưa người dân về quê đón Tết an toàn.

Sau Tết Nguyên đán, lượng khách đi tàu vẫn rất “bết bát” do tâm lý lo ngại dịch bệnh Covid-19, ngành đường sắt tiếp tục cắt giảm hàng loạt mác tàu để “cắt” lỗ.
Sau Tết Nguyên đán, lượng khách đi tàu vẫn rất “bết bát” do tâm lý lo ngại dịch bệnh Covid-19, ngành đường sắt tiếp tục cắt giảm hàng loạt mác tàu để “cắt” lỗ.

“VNR đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hướng tới khách hàng như bảo lưu vé cho hành khách trong vòng 1 năm; tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách có nhu cầu đổi, trả vé…”, ông Minh cho hay.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thừa nhận, dù đã thay đổi mô hình, sắp xếp, tái cơ cấu, tách rồi nhập các đơn vị, ngành đường sắt vẫn chưa có nhiều đột phá, thị phần vận tải vẫn sụt giảm qua từng năm.

Cùng với hàng loạt khó khăn còn tồn tại về điểm nghẽn hạ tầng, nguồn vốn đầu tư, đặc biệt khi dịch Covid-19 tác động khiến ngành tiếp tục chống chất khó khăn…, đường sắt buộc bằng mọi giá phải quyết liệt tái cơ cấu khi đã bị dồn vào thế chân tường…

Một số toa tàu chuyển sang chở hàng trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Một số toa tàu chuyển sang chở hàng trong thời gian dịch bệnh Covid-19

Đề án tái cơ cấu VNR đã được trình các bộ, ngành cách đây 41 tháng nhưng vẫn phải chờ Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trong nhiệm kỳ tới. Do đó, ngành đường sắt đã xin Chính phủ cho thực hiện một số nội dung cấp bách tái cơ cấu ngay trong năm 2021 với trọng tâm là sắp xếp lại đơn vị vận tải như hợp nhất 2 Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, thu gọn đơn vị phụ thuộc để giảm chi phí, giá thành, khai thác hiệu quả nhất nguồn lực và tài sản hiện có.

Thẳng thắn nhìn nhận ngành đường sắt không còn ở giai đoạn vàng son và đã tới lúc phải giảm định biên, không thể để gần 3 vạn con người đi tới chỗ “chết chìm”, ông Minh cho rằng, giai đoạn 2022, ngành đường sắt sẽ tái cơ cấu hết sức mạnh mẽ, có những việc sẽ động chạm tới quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm bởi ngay bản thân lãnh đạo hay cán bộ lao động cũng trăn trở.

Hướng đi nào cho ngành ĐSVN trong thời gian tới?
Hướng đi nào cho ngành ĐSVN trong thời gian tới

Đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh, ông Minh cho hay nếu kết thúc năm 2021 dịch chấm dứt hoàn toàn, gói 7.000 tỷ thi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh hoàn thành thì sang năm 2022 sẽ có kỳ vọng dư địa về năng lực hạ tầng tốt hơn, vận tải hàng hóa và hành khách phục hồi dần dù vận tải hàng hóa đã có tăng trưởng tốt trong vài năm qua.

Trong trường hợp nếu dịch diễn biến tiếp, gói 7.000 tỷ không hoàn thành mà kéo dài sang năm 2022, Chủ tịch VNR dự đoán sẽ tiếp tục lỗ, dư địa duy nhất của ngành đang lãng phí lâu này là khai thác cơ sở hạ tầng trong đó nguồn lực hạ tầng các nhà ga lớn nhưng chưa được khai thác vốn mang lại giá trị thặng dư lớn hơn vận tải rất nhiều./.

Năm 2020, VNR lỗ 1.300 tỷ đồng trong đó riêng Công ty cổ phần Vận tải Hà Nội lỗ 212 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vận tải Sài Gòn lỗ 300 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2021, 2 Công ty này lỗ khoảng 700-800 tỷ đồng do thi công đại trà gói 7.000 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh nên dừng chạy tàu, giảm tần suất chạy tàu trong khi các chi phí bộ máy vẫn phải hoạt động sẽ lỗ về chi phí cố định, nhân lực và con người.

Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Thủ tướng Đề án tái cơ cấu VNR trong giai đoạn 2021-2025. Trọng tâm đề án là hợp nhất Công ty ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội với Sài Gòn thành một đơn vị; giữ nguyên mô hình quản lý sức kéo, các ban quản lý dự án và các chi nhánh khai thác đường sắt, 25 doanh nghiệp cổ phần công ích như hiện nay; thoái hết vốn của VNR tại 13 doanh nghiệp thành viên.