Để nhanh chóng khắc phục khó khăn, đưa hàng hóa Việt Nam vươn xa ra thị trường thế giới, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng số, hỗ trợ kết nối giao thương, phòng tránh nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường phi truyền thống cũng như các thị trường lớn “khó tính”…
Phát triển sản phẩm, đầu tư sản xuất
Theo số liệu mới nhất, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 9 ước đạt 58,7 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung 9 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%. Với kết quả này, cán cân thương mại ước thặng dư hơn 6,52 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022.
Kết quả đáng khích lệ này có được từ sự chủ động của doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm mới, đạt chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường quốc tế.
Chẳng hạn như mặt hàng dừa, hiện dừa là một trong 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, giá trị không cao, giá cả phụ thuộc lớn vào đối tác, chỉ cần một diễn biến bất lợi, giá dừa xuất khẩu lập tức “tụt dốc không phanh”.
Hiểu rõ những bất lợi đó, Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu (ACP) đã tập trung tạo ra các sản phẩm cao cấp từ dừa như bột sữa dừa; nước cốt dừa; dầu dừa; sữa dừa… có giá trị gia tăng cao, với công nghệ cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, ACP đã cùng một số doanh nghiệp chế biến dừa khác của tỉnh Bến Tre liên kết xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ và bao tiêu sản phẩm tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và mở rộng vùng nguyên liệu hữu cơ đạt chuẩn EU, USDA để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và tổ chức lại khâu sản xuất, chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, các sản phẩm từ dừa của công ty được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận, giá trị và thương hiệu từ các sản phẩm dừa từng bước được khẳng định.
Tương tự, là doanh nghiệp sản xuất đồ da có tỷ lệ xuất khẩu 30% trong tổng giá trị doanh thu, Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ thương mại Ladoda đã áp dụng quy trình quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2015 và tiêu chuẩn WRAP; mạnh dạn đầu tư các loại máy móc chuyên dùng hiện đại vào sản xuất, đưa năng suất lao động tăng từ 120% đến 130% và tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.
Nhờ đó, trước bối cảnh có nhiều áp lực cạnh tranh và tác động bất lợi từ tình hình kinh tế thế giới, công ty vẫn tiếp tục duy trì sản xuất và phát triển, đưa được sản phẩm tới nhiều thị trường như Nhật Bản, Pháp, Đài Loan, Cộng hòa Séc, Hoa Kỳ…
Ông Đinh Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Ladoda cho biết, công ty sẽ tiếp tục đầu tư đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào nghiên cứu sản xuất các sản phẩm da; đổi mới quy trình sản xuất, xây dựng kế hoạch sản xuất hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, nâng cao năng suất từ 10 đến 15% và tiết kiệm chi phí trong sản xuất; phấn đấu hạ giá thành sản phẩm.
Không chỉ vậy, để phát triển số lượng và giá trị đơn hàng, doanh nghiệp còn chủ động tìm kiếm cơ hội ở những thị trường mới. Thực tế, nhờ tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTAs), nhiều doanh nghiệp đã mở rộng và chiếm lĩnh cả những thị trường mới, xa xôi như Peru, Chile, Mexico…
Khó khăn còn hiện hữu
Theo đại diện một số doanh nghiệp, dù đã rất nỗ lực, nhưng nhiều khó khăn vẫn đang hiện hữu như Việt Nam chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp sang một số thị trường (nhất là những thị trường mới nổi) có khoảng cách xa về địa lý; việc tiếp cận thông tin cập nhật về thị trường, các chính sách ưu đãi, pháp luật, thói quen tiêu dùng tại các thị trường mới của các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Ngoài ra. các doanh nghiệp cũng đang gặp một số khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ; chất lượng sản phẩm; đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường…
Để nhanh chóng khắc phục khó khăn, đưa hàng hóa Việt Nam vươn xa ra thị trường thế giới, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng số, hỗ trợ kết nối giao thương, phòng tránh nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường phi truyền thống cũng như các thị trường lớn “khó tính”; nâng cao chất lượng hàng hóa, cũng như hoàn thiện quá trình sản xuất, thu mua nguyên liệu, canh tác… theo tiêu chuẩn của các FTA.
Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, muốn tận dụng cơ hội doanh nghiệp cần phải có sự chủ động, tích cực nắm bắt, nghiên cứu thị trường, văn hóa tiêu dùng cũng như các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các nền kinh tế; đổi mới năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; nhất là nắm rõ các quy định về quy tắc xuất xứ; cải thiện, đầu tư công nghệ sản xuất. Chính phủ cần tháo gỡ các rào cản về chính sách, tiếp tục thúc đẩy việc cắt giảm chi phí về thủ tục, thời gian, hỗ trợ hạ tầng cơ sở nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; cơ quan chức năng cần cung cấp đầy đủ thông tin để doanh nghiệp tận dụng, khai thác được những quy định có lợi thế từ các hiệp định thương mại.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn, Bộ Công thương cần tăng cường kết nối thông tin giữa doanh nghiệp với các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài thông qua các cuộc giao ban thương vụ định kỳ. Bên cạnh đó, các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng cần phát huy vai trò xúc tiến, thúc đẩy đầu tư; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp.
Theo Hương Giang/Thời báo Ngân hàng