Tết Nguyên Đán là cao điểm đón khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch. Tuy nhiên, Tết năm nay, ngành du lịch “méo mặt” vì cả khách trong nước lẫn quốc tế hủy tour, hủy phòng. Dịch cúm Corona bùng phát khiến ngành du lịch Việt lao đao, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Phụ thuộc vào khách Trung Quốc
Nhận định về ảnh hưởng của đại dịch virus Corona (nCoV) tới ngành du lịch Việt Nam, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc quản lý khách sạn khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Savills cho rằng, du lịch Việt Nam đang đối mặt với những hậu quả tiêu cực.
Tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong khi đây là thị trường khách lớn nhất đến nước ta, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019.
Theo ông Mauro Gasparotti, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác, mà cả các đối tượng khách lẻ.
Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển cũng chịu tình trạng tương tự, trong đó Nha Trang – Khánh Hòa chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất. Theo thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa, khách Trung Quốc chiếm hơn 70% tổng lượt khách quốc tế của tỉnh trong năm 2019.
Nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách MICE (khách hội thảo, hội nghị) và khách doanh nghiệp (DN) tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.
Tác động thứ hai là sự sụt giảm lượng khách quốc tế, do Châu Á được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác. Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm du khách đến từ Châu Âu, Úc, Mỹ… do khách đến từ các quốc gia này sẽ hủy hoặc hoãn thời gian du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Vị chuyên gia này cũng cho hay, tác động thứ ba ảnh hưởng tới sự sụt giảm nghiêm trọng của du lịch Việt đến từ nguồn cầu du lịch trong nước. Theo ông Mauro Gasparotti, đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hàng hay khu vực vui chơi giải trí. Nguồn cầu trong nước có thể được cải thiện hay không phụ thuộc chủ yếu vào công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh của chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Là thị trường khách chủ lực của ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua, việc Trung Quốc “bế quan tỏa cảng” vì dịch bệnh khiến nhiều DN lữ hành, dịch vụ thiệt hại nặng nề. Thống kê từ ngày 27/1 cho thấy mùa du lịch dịp Tết Nguyên đán, lượng khách Việt Nam và khách quốc tế tăng mạnh tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl, nhưng nhóm du khách Trung Quốc tại Vinpearl Nha Trang giảm 50%. Vinpearl dự kiến lượng khách Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm mạnh tới hơn 90% trong những ngày tới.
Đại diện Công ty du lịch Vietravel cũng cho hay, Tết Nguyên đán 2020, Vietravel đã hủy khoảng 60 đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam (khoảng 1.000 khách). Hiện tại công ty đã hủy tất cả tour từ Trung Quốc sang Việt Nam đến hết tháng 3/2020. Ngay cả khi tình hình có thể ổn định, dịch bệnh được kiểm soát thì phải đến khoảng tháng 6 mới có thể hồi phục dần lượng khách. Do đó chắc chắn các DN lĩnh vực du lịch thời gian tới sẽ gặp khó khăn và thiệt hại đáng kể. Một DN có thể thiệt hại tới vài chục tỉ đồng.
Cần cơ cấu lại nguồn khách
Dịch bệnh bùng nổ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch, nhưng cả DN và chuyên gia đều cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam cơ cấu, định hướng lại sự phát triển của ngành.
TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam đánh giá, thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam quá chú trọng thành tích, mải chạy theo con số nên vô hình trung bị phụ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc.
Theo ông Lương, việc khai thác tràn lan, “thượng vàng hạ cám” biến nhiều điểm đến trở nên nhếch nhác, mất hình ảnh, giảm thu hút đối với các nguồn khách khác. Nếu các điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh…không còn xô bồ quá đông khách Trung Quốc sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho khách nội địa và khách quốc tế đến từ các quốc gia khác. Khai thác khách Trung Quốc cần tập trung vào phân khúc cao cấp, cùng với đó quay lại các thị trường truyền thống có hiệu quả như Tây Âu, Bắc Mỹ. Đây là các đối tượng vừa tạo ra nguồn thu lớn, vừa không gây áp lực đến hạ tầng du lịch, xã hội.
Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2019 qua thống kê từng tháng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế, trung bình dao động từ 30 – 50%. Trước khi các lệnh cấm đón khách từ vùng dịch được ban hành, trong tháng 1/2020, ngành du lịch VN ghi nhận lượng khách quốc tế đến ước đạt gần 2 triệu lượt người, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, tăng mạnh nhất là khách Trung Quốc – tăng 72,6%, đạt 644.700 lượt khách.
Từ những con số trên, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang – DN lữ hành chuyên khai thác thị trường Trung Quốc cho biết, thực tế, khách Trung Quốc đáp ứng rất tốt về mặt tăng trưởng số lượng nhưng không đạt được những kỳ vọng về chất lượng. Khách Tây Âu và nhiều quốc gia phát triển khác mới là thị trường khách bền vững.
Khách Trung Quốc giảm là tin buồn nhưng ở một góc độ khác cũng là cơ hội để ngành du lịch thật sự nhìn nhận nghiêm túc lại mục tiêu, định hướng phát triển. Việc tạm thời đóng cửa du lịch đối với khách Trung Quốc là dịp tốt để cải tổ, sàng lọc đối tượng khách, chấn chỉnh tình trạng “tour 0 đồng” tại nhiều địa phương thời gian qua. Nhân cơ hội này, ngành du lịch Việt Nam cần có chiến lược để “hâm nóng”, chăm sóc lại các thị trường khách truyền thống khác, tránh tình trạng phụ thuộc vào khách Trung Quốc khiến hàng loạt DN du lịch đóng cửa, phá sản.
Theo Tuyết Vân/Khoa học&đời sống