Dự báo xuất khẩu thủy hải sản nửa đầu năm đạt 4,4 tỷ USD

Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy hải sản của cả nước được dự báo đạt 4,4 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay lâm – thủy sản đã giải ngân khoảng 20.000 tỷ đồng.

Ngày 10/6, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức phiên họp toàn thể hội viên năm 2024. Tại đây, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep cho biết, với diễn biến tích cực của hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy hải sản chính như: tôm, cá tra, cá ngừ, cua ghẹ, nhuyễn thể… dự báo trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy hải sản của cả nước sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng đạt khoảng 1,65 tỷ USD (tăng 7%), cá tra 910 triệu USD (tăng 4%), cá ngừ 457 triệu USD (tăng 20%), cua ghẹ 119 triệu USD (tăng 66%) và nhuyễn thể gần 74 triệu USD (tăng 12%).

Dự báo xuất khẩu thủy hải sản nửa đầu năm đạt 4,4 tỷ USD
Các mặt hàng thủy hải sản chủ lực đều được dự báo có kim ngạch xuất khẩu tăng trong nửa đầu năm 2024.

Theo Vasep, mặc dù xuất khẩu ngành thủy hải sản nói chung hiện nay đang có dấu hiệu tích cực, nhưng ngành này cũng đang phải đối mặt với một loạt thách thức đến từ các thị trường nhập khẩu chủ lực.

Theo đó, đối với ngành tôm, việc ứng phó với thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ hiện vẫn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu, chịu áp lực. Hiện nay, mặc dù Bộ Thương mại Hoa Kỳ chưa có kết luận cuối cùng nhưng các kết luận sơ bộ áp mức thuế chống trợ cấp 2,84% và thuế chống bán phá giá 196,41% đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự lựa chọn của các nhà nhập khẩu tại thị trường này đối với tôm sản xuất từ Việt Nam.

Đối với ngành cá tra, hiện thách thức lớn nhất là giá xuất khẩu ở mức khá thấp. Thị trường truyền thống của cá tra Việt Nam là EU đang có dấu hiệu tiêu thụ chậm lại“Các doanh nghiệp đang tập trung nhiều vào Trung Quốc, tuy nhiên thị trường đối tác này rất bất ổn, giá liên tục giảm.

Đối với ngành hải sản, hiện nay vấn đề “thẻ vàng IUU” vẫn là một gánh nặng gây áp lực đến nhiều doanh nghiệp. Trong năm nay, các doanh nghiệp cũng gặp thêm các khó khăn trong hoạt động khai thác, dẫn tới nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu vì thời tiết nắng nóng, sản lượng khai thác giảm.

Bên cạnh đó, hiện Nghị định số 37/2024/NĐ-CP (hướng dẫn triển khai Luật Thủy sản) và Nghị định 38/2024/NĐ-CP (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản) cùng lúc có hiệu lực. Nhiều quy định mới mang tính ràng buộc và khó thực thi khiến doanh nghiệp hoang mang, lo ngại, giảm tần xuất khai thác hải sản.

Tuy nhiên, Vasep cũng kỳ vọng rằng từ sau quý II/2024, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại vào quý III và thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.

Liên quan đến lĩnh vực vốn tín dụng đối với ngành thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thủy sản nói chung và hội viên Vasep nói riêng đã thúc đẩy khá mạnh việc tiếp cận các khoản vay ưu đãi lãi suất từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho các ngành lâm sản, thủy sản.

Theo ông Tiến, việc hệ thống ngân hàng tăng thêm 15.000 tỷ đồng hạn mức cho gói tín dụng này thời gian qua đã mang lại hiệu ứng rất tích cực. “Trong kỳ họp trước, các đơn vị báo cáo là đã được giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng. Đến nay có thể đạt khoảng 20.000 tỷ đồng”, ông Tiến cho biết.

Theo Thạch Bình/Thời báo Ngân hàng
Print Friendly, PDF & Email