Dự án Dragon Riverside City bị buộc tháo dỡ toàn bộ tầng hầm do sai phạm

Với những sai phạm liên tiếp, hai tầng hầm tại dự án Dragon Riverside City bị buộc phải tháo dỡ theo quyết định của cơ quan chức năng.

Theo đó, dự án Khu phức hợp cao ốc văn phòng – thương mại – khách sạn và chung cư (tên thương mại Dragon Riverside City) liên tiếp bị cơ quan chức năng quận 5 và UBND TP.HCM xử phạt tổng cộng số tiền gần 400 triệu đồng.

Qua kiểm tra UBND quận 5, đã xác định dự án Dragon Riverside City của Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vi Na (gọi tắt là Land Sài Gòn) làm chủ đầu tư đã có vi phạm do thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định.

Do đó, ngày 20/9/2018, UBND quận 5 đã xử phạt công ty này 40 triệu đồng, buộc Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vi Na phải xin giấy phép xây dựng; khôi phục lại hiện trạng theo quy định.

“Phớt lờ” quyết định xử phạt của UBND quận 5, dự án Dragon Riverside City vẫn tiếp tục xây dựng. Trước sự việc này, UBND TP.HCM tiếp tục “tuýt còi” đối với dự án Dragon Riverside City thêm một lần nữa.

Cụ thể, Quyết định số 795 ngày 5/3/2019 xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vi Na, có trụ sở 628-630 (đường Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5, TP.HCM). Quyết định này do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký.

Quyết định này thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.

Do vậy, xử phạt tiền chủ đầu tư với mức phạt 325 triệu đồng; yêu cầu dừng thi công xây dựng công trình; buộc chủ đầu tư tháo dở phần công trình vi phạm (do đã quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính).

Đồng thời, UBND thành phố buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ toàn bộ tầng hầm B1, B2, tổng diện tích là 25.049,8 m2; Tháo dỡ toàn bộ diện tích vi phạm tại tầng trệt của các tháp A, B, C, D và nắp hầm mở rộng, tổng diện tích là 9.700 m2. Quá thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận quyết định) mà chưa nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì phải nộp 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Như vậy, tổng số tiền chủ đầu tư phải nộp lên đến gần 400 triệu đồng. Được biết, đơn vị phát triển dự án là Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long và tiền thân của công ty Land Saigon là Công ty CP BĐS Điện lực Sài Gòn Vina – EVN Land Saigon. Dự án này từng được đưa tin ồ ạt rằng dự kiến khởi công vào năm 2011.

Lễ khởi công dự án từng thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư bất động sản.

Thế nhưng, mãi đến tháng 11/2015, UBND TP.HCM mới duyệt quy hoạch 1/500 với diện tích 3,1 ha. Đây là dự án với quy mô lớn, số tiền đầu tư lên đến ngàn tỉ mà doanh nghiệp cần lấy ý kiến cổ đông. Đại hội cổ đông thường niên sau đó của Land Saigon thông qua mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bản thân Land Saigon thời điểm đó mới chỉ có quy mô kinh doanh hơn 50 tỉ đồng. Để huy động được số tiền gần 750 tỉ đồng phát triển dự án trong năm 2016 đối với doanh nghiệp này là rất khó. Tháng 1/2016, Land Saigon ký hợp tác đầu tư để phát triển dự án này với Công ty CP Địa ốc Phú Long (gọi tắt là Địa ốc Phú Long, thành viên của Sovico Holdings).

Trong thông điệp phát đi mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM – Trần Vĩnh Tuyến khẳng định sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng một phần mềm nhằm minh bạch thông tin pháp lý của các dự án, từ đó sẽ giúp cho khách hàng, nhà đầu tư tránh việc mua phải dự án chưa đầy đủ pháp lý, tiềm ẩn rủi ro.

Theo Quang Bình/Người tiêu dùng

Print Friendly, PDF & Email