Categories Thị trường

Đón “sóng” chuyển dịch ngành chế biến từ Trung Quốc, phải làm sao?

Trước đây, nhờ chi phí sản xuất thấp, Trung Quốc đã thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn nguồn vốn FDI vào các ngành chế biến, trong đó có ngành chế biến gỗ và thủy sản. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, để tránh “bỏ trứng vào một giỏ” nhằm phân tán rủi ro, dự kiến, nguồn vốn FDI sẽ không còn tập trung vào Trung Quốc nữa, mà đẩy mạnh đầu tư sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam…

Ngành gỗ, thủy sản “chật vật” về Covid-19

Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, đã có sự dịch chuyển về chuỗi cung ra khỏi Trung Quốc, nhất là ở lĩnh vực chế biến gỗ, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Cụ thể, đã có 31 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc trước đó xuất khẩu sang Mỹ, được dịch chuyển sang các nước khác có chi phí thấp hơn ở châu Á. Trong đó, một nửa giá trị hàng hóa nói trên đã được dịch chuyển sang Việt Nam.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), năm 2019, nguồn đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam dẫn đầu trong tất cả các nguồn đầu tư, trên cả ba khía cạnh là dự án mới, tăng vốn và mua bán sát nhập. Theo đó, đối với hạng mục các dự án FDI mới từ Trung Quốc, số lượng dự án tăng 2,3 lần và tổng vốn đầu tư của các dự án này tăng 3,4 lần so với 2018.

Cũng trong năm 2019, số lượt góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp Trung Quốc là 117, tăng 1,46 lần so với số lượt năm 2018, giá trị góp vốn tăng 2,3 lần, đạt trên 96 triệu USD so với 41,4 triệu USD năm 2018.

Tuy nhiên, bước sang những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động khá nặng nề với ngành gỗ Việt. Cụ thể, tính hết tháng 4/2020, khoảng 80% các đơn hàng xuất khẩu đã bị tạm dừng xuất khẩu và chưa tìm được đơn hàng mới. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó lớn nhất là Hoa Kỳ trong qúy I/2020 chiếm đến 51%; EU chiếm khoảng gần 9% kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đến nay đã gần như đóng băng. Các thị trường khác như Nhật Bản (chiếm khoảng 12%), Hàn Quốc (khoảng 7-8%) thời gian qua cũng chỉ còn lác đác một số lô hàng đồ gỗ xuất khẩu được.

Với thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu), trong đó khoảng 90% là sản phẩm dăm gỗ những tháng đầu năm 2020 cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Với thị trường trong nước, hiện sản phẩm chính là sản phẩm đồ gỗ của các làng nghề truyền thống đang có khoảng 70-80% là không tiêu thụ được, phải tạm dừng hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm gỗ chế biến phục vụ cho các công trình lớn như khách sạn, công trình công sở… ước tính doanh thu trong vòng một tháng gần đây đã giảm tới 90% so với cùng kỳ năm trước.

Với ngành thủy sản, có thể chia ra 2 lĩnh vực gồm ngành cá tra và tôm. Ở ngành cá tra, kim ngạch xuất khẩu và giá cá tra đều lao dốc trong những tháng đầu năm 2020. Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu cá tra trong tháng 4 ước đạt 126 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm lên 420 triệu USD, giảm tới gần 32% so với cùng kì năm 2019.

Tính đến thời điểm hiện tại, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tình hình hiện nay mới chỉ có Trung Quốc bắt đầu mua hàng trở lại. Trong khi đó, ở các thị trường khác vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc do dịch Covid-19. Theo đó, thị trường Trung Quốc – Hong Kong hiện chiếm 22,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

“Cho tới nay, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại thị trường Trung Quốc – Hong Kong đang phục hồi. Tuy nhiên, tại các thị trường khác vẫn còn bị ảnh hưởng của Covid-19. Do đó, ít nhất hết quý II/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra tại hầu hết các thị trường lớn đều chưa thể vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kì năm trước”, đại diện VASEP, cho hay.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện Việt Nam đáng đón làn sóng chuyển dịch ngành chế biến từ Trung Quốc, trong đó có hai ngành thủy sản và gỗ đang có những đấu hiệu khá tích cực.

Với ngành tôm, trong quý I/2020, xuất khẩu tôm đạt 591,083 triệu USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng trong tháng 3/2020, xuất khẩu tôm giảm 15%. Tuy nhiên, đối với ngành tôm, quý I chưa phải là mùa vụ chính mà phải đến tháng 4, tháng 5 trở đi mới bước vào mùa vụ chính, vì vậy, tác động của dịch Covid-19 với ngành tôm phải chờ một thời gian nữa mới có những tín hiệu rõ ràng.

Theo khảo sát của Bộ NN-PTNT, tính đến thời điểm hiện tại, ở khoảng 130 doanh nghiệp trong ngành gỗ, bình quân mỗi doanh nghiệp trong qúy I/2020 đã bị thiệt hại về kinh tế khoảng 25 tỷ đồng, tổng thiệt hại kinh tế của các doanh nghiệp được điều tra đến nay ước lên đến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Đặc biệt, đến nay chỉ có khoảng 7% doanh nghiệp vẫn đang còn duy trì được hoạt động một cách tương đối bình thường. Còn lại, trên 90% số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoặc luân chuyển một bộ phận lao động.

Cơ hội đón “sóng” chuyển dịch từ Trung Quốc…

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện Việt Nam đáng đón làn sóng chuyển dịch ngành chế biến từ Trung Quốc, trong đó có hai ngành thủy sản và gỗ đang có những đấu hiệu khá tích cực.

Cụ thể, tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp để tìm giải pháp vượt khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19 vừa được tổ chức mới đây, VASEP khẳng định, dù xuất khẩu tôm bị chững lại trong quý I/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng dự báo những tháng tiếp theo sẽ hồi phục và tăng khoảng 3-4% so với năm 2019, đạt 3,45-3,5 tỷ USD.

Kết thúc quý I/2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng gần 4,3% về lượng và tăng 1,8% về giá trị, đạt 7.050 tấn, trị giá 628,55 triệu USD.

“Dù vẫn còn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng VASEP đã nhận diện được rất nhiều cơ hội để ngành có thể tận dụng tốt trong thời gian tới. Trong đó, một nhân tố quan trọng là sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á cũng như ở Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra chiến tranh thương mại. Đây sẽ là cơ hội của ngành tôm nói riêng, ngành thủy sản Việt Nam nói chung”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, khẳng định.

Với ngành gỗ, năm 2020, ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu đạt 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nhưng: “Tăng trưởng trong xuất khẩu của ngành năm 2020 có thể bằng 0”, đó là nhận định của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIFOREST.

Lý do tăng trưởng ngành gỗ có thể bằng 0, ngoài dịch Covid-19, một phần trong đó có thể là do những rủi ro về “rửa xuất xứ” hàng hóa, gian lận thương mại…

Chẳng hạn, hằng năm, Mỹ nhập khẩu gần 10 tỷ USD đồ gia dụng, nội thất từ Trung Quốc, nhưng do ảnh hưởng từ chính sách thuế, phía Mỹ chuyển dịch tìm nguồn hàng từ Việt Nam. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp ngành gỗ, nhóm xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có rất ít cơ hội. Chưa kể, trước đó Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng (nguyên đơn) đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm ván ép gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam.

“Sản phẩm gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam tăng lên nhanh chóng từ 63 triệu USD năm 2017, tăng lên 187 triệu USD năm 2018 và 309 triệu USD năm 2019. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam ước tính, khoảng một nửa doanh nghiệp trong nước làm gỗ dán, phần còn lại là doanh nghiệp FDI. Vì vậy, cơ hội đón chuyển dịch đầu tư trong lĩnh vực ngành gỗ từ Trung Quốc tới đây có 2 nguy cơ: Vốn kèm theo công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường, thường tập trung vào giai đoạn đơn giản sơ chế ván, dăm; Hoặc, doanh nghiệp gỗ khó khăn nên rất cần vốn, dẫn đến dễ mất quyền kiểm soát vào tay khối ngoại”, đại diện VIFOREST, cảnh báo.

Theo Bá Lâm/Chất lượng&cuộc sống