Bất chấp việc thị trường tài chính toàn cầu và các đồng tiền mạnh liên tục biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung, tỷ giá trong nước những tháng đầu năm vẫn duy trì trạng thái ổn định. Đó là tiền đề thuận lợi để các DN yên tâm nối lại hoạt động xuất – nhập khẩu sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nền tảng ổn định tỷ giá dài hạn
Trong phiên giao dịch ngày 14/7, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ 4 đồng xuống còn 23.216 đồng/USD. Trong khi tỷ giá tại các ngân hàng vẫn duy trì xu thế ổn định; giá mua vào xoay quanh 23.090 đồng/USD còn giá bán ra xoay quanh 23.270 đồng/USD. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng có 61 đồng, tương đương tăng 0,26%. Trong khi đó, hiện giá mua – bán USD tại các NHTM đã trở về tương đương với thời điểm cuối năm 2019.
Căn cứ biên độ biến động của tỷ giá từ cuối tháng 3 đến nay, Công ty Chứng Khoán KB (KBSV) nhận định rằng mức độ ổn định của tiền VND đang chắc chắn nhất so với các đồng tiền khác trong khu vực. Trong suốt năm 2020 KBSV cho rằng, rất có thể mức mất giá của tiền VND so với đồng USD chỉ vào khoảng 1%, thấp hơn khá nhiều so với mức 2,5% mà nhiều chuyên gia đã dự báo hồi đầu năm.
Phân tích kỹ hơn, các chuyên gia tại KBSV cho rằng, hiện nay tỷ giá VND/USD đang có rất nhiều nền tảng để kỳ vọng ổn định trong dài hạn. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2020 tỷ giá và cán cân thương mại đang có diễn biến tương hỗ rất tích cực. Thặng dư thương mại 6 tháng đầu năm được Tổng cục Thống kê công bố ở mức 4 tỷ USD, trong khi đó cùng kỳ năm 2019 Việt Nam vẫn phải nhập siêu.
Trong khi đó kênh kiều hối đổ về TP.HCM trong 5 tháng đầu năm được thống kê ở mức 2,3 tỷ USD (chỉ giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái) cho thấy, dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất nặng với các quốc gia trên thế giới nhưng việc sớm khống chế được dịch bệnh tại Việt Nam đã khiến nguồn tiền của kiều bào vẫn yên tâm đổ về các kênh đầu tư trong nước.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc Nghiên cứu phát triển tại Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, trong những tháng tới nhiều khả năng tỷ giá sẽ đi ngang. Trong kịch bản xấu, nếu diễn biến dịch bệnh vẫn khó kiểm soát có thể kéo theo sự lên giá của đồng USD trên toàn cầu. Ngoài ra, căng thẳng Mỹ – Trung leo thang và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ đồng CNY mất giá, từ đó tạo áp lực nhất định lên VND. “Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn nguồn cung ngoại tệ hiện tại mức mất giá của VND so với USD trong năm nay cũng sẽ không vượt quá mức đỉnh tháng 3/2020 là 2%”, ông Linh cho biết.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, với cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hiện nay cộng thêm nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, NHNN hoàn toàn có thể duy trì tỷ giá ổn định trong những tháng cuối năm.
DN bớt lo rủi ro tỷ giá
Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, việc tỷ giá ổn định trong suốt nửa đầu năm có tác động rất tích cực đến khối DN xuất – nhập khẩu. Những tuần gần đây đồng USD giảm giá nhẹ so với tiền VND nên các ngành có đặc thù vay nợ ngoại tệ nhiều như điện, vận tải biển, xi măng…; các ngành nhập khẩu nhiều nguyên liệu và tiêu thụ thành phẩm ở thị trường nội địa như dược, nhựa, săm lốp… đang được hưởng lợi vì tiết giảm được chi phí đầu vào.
Ở khối các ngành xuất khẩu, diễn biến tỷ giá ổn định đã kích thích khá tốt cho các ngành xuất khẩu chủ lực. Thống kê tại TP.HCM cho thấy rằng, trong 6 tháng đầu năm 4 nhóm hàng xuất khẩu chính, bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử; dệt may; giày dép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đều đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 – 8,5 tỷ USD. Các thị trường nhập khẩu lớn nhất của các sản phẩm này như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều có sự tăng trưởng nhẹ. Điều này cho thấy động lực cạnh tranh về giá của hàng Việt Nam vẫn duy trì được trong các tháng dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các thị trường quốc tế, trong đó yếu tố tỷ giá ổn định cũng là cơ sở tích cực để các DN cân đối lợi nhuận từ các hợp đồng xuất khẩu.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy rằng, đến giữa tháng 6 kim ngạch xuất nhập khẩu của khối DN nước ngoài đạt 132,08 tỷ USD và thặng dư thương mại của nhóm DN này đạt trên 12 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa rằng động lực suất siêu vẫn đang rất mạnh mẽ và có khả năng tăng trưởng mạnh trong các tháng cuối năm.
Với diễn biến xuất siêu liên tục, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, từ nay đến cuối năm cán cân thương mại sẽ tiếp tục là cơ sở nền tảng để NHNN ổn định tỷ giá và củng cố độ dày của dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, việc các DN trong nước nhập khẩu ít hơn nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất – kinh doanh có thể gây mất cân bằng nguồn cung nguyên liệu gia công xuất khẩu. Vì thế, thời điểm hiện tại, tỷ giá USD/VND có xu hướng đi ngang và giảm nhẹ cũng chính là thời điểm thuận lợi để các DN tranh thủ thời cơ nhập mới các nguồn hàng phục vụ chế biến xuất khẩu. Nhất là trong bối cảnh một số quốc gia đã khống chế tương đối tốt dịch Covid-19 và mở cửa trở lại đối với hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa và Hiệp định EVFTA chuẩn bị có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020. Trong đó EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Theo Thạch Bình/Thời báo Ngân hàng