Categories Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt về tay người Thái – Bài 2: Người Thái có gì hơn người Việt?

Hàng loạt các thương hiệu từng là niềm tự hào của người Việt đã rơi vào tay người Thái. Không thể không lo ngại và đặt ra câu hỏi: Tại sao thương hiệu Việt lại liên tục “bán mình” cho đại gia Thái Lan?

Sabeco sau khi về tay tỉ phú Thái Lan luôn đạt được mức lãi cao. Ảnh: Sabeco
“Họ” có gì hơn ta?
Rất nhiều đại gia Thái Lan nhìn thấy “miếng bánh béo bở” từ thị trường hơn 90 triệu dân tại Việt Nam. Họ đổ xô đầu tư, mua lại cổ phần, giành quyền kiểm soát các thương hiệu lớn, các doanh nghiệp đầu ngành. Điều đáng nói, các thương hiệu này đều khá nổi tiếng, và trở thành niềm tự hào thương hiệu Việt, vốn dĩ đã rất ít ỏi ở nước ta. Ví như: Sabeco với bia Sài Gòn đình đám, Prime Group với các loại gạch men, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Metro Việt Nam, điện máy Nguyễn Kim,…
Vậy người Thái có gì để khiến các thương hiệu Việt liên tục “bán mình” cho họ? Theo Tiến sĩ kinh tế Phan Minh Ngọc, Thái Lan hơn nước ta ở số lượng tỉ phú đô la. Và các đại gia Thái Lan đến Việt Nam đều là tỉ phú đô la, nên họ có đủ tài lực để thâu tóm những doanh nghiệp họ nhận thấy có tiềm năng phát triển lớn. Từ tiền đề đó, các đại gia này lại tiếp tục thâu tóm các thương hiệu, doanh nghiệp ở lĩnh vực khác. Do đã quen “đường đi nước bước”, nên việc nhiều doanh nghiệp Việt liên tục rơi vào tay một hai đại gia Thái là điều dễ hiểu.
Thế giới vận hành theo kinh tế thị trường, chúng ta đã mở cửa và hội nhập thì phải biết chấp nhận một điều, không chỉ người Thái, mà bất kể ai có tài lực đủ mạnh, nắm bắt được cơ hội tốt nhất sẽ thắng trong cuộc đua về kinh doanh.
Doanh nghiệp Việt về tay người Thái - Bài 2: Người Thái có gì hơn người Việt? - ảnh 1
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển. Ảnh: NVCC
Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, doanh nghiệp Việt thua người Thái ở điểm luôn mong muốn quyền lực của người sáng lập công ty là tuyệt đối. “Phải từng bước huy động vốn, ban đầu rủi ro cao thì những người được mời vào công ty quyền lợi cũng phải cao. Nếu không huy động vốn, không mời người giỏi về điều hành, khi công ty lớn mạnh, nguồn lực sẵn có không thể đáp ứng, thì việc “bán mình” phần cũng là một cách để đảm bảo được nguồn lợi” – Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tính tự tôn dân tộc của doanh nhân Việt yếu hơn so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay gần nhất là Thái Lan. Bằng chứng là, một số doanh nhân nuôi dưỡng công ty thành thương hiệu lớn, rồi bán đi để kiếm lợi, không tiếp tục nỗ lực mà thậm chí đi định cư nước ngoài để tận hưởng.
Trồng cây cho người hái trái?
Việc bán đi doanh nghiệp đã có thương hiệu, có uy tín dễ được ví von rằng đang “trồng cây cho người hái trái”. Nhưng theo Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển, đây là nhận định hết sức chủ quan: “Có rất nhiều mâu thuẫn trong nhận định “người Thái đang hái trái ngọt trên cây ta trồng”, bởi nhà nước đang kêu gọi đầu tư, kêu gọi hợp tác nước ngoài. Thì bây giờ lý nào lại sợ hãi nước ngoài vào kiếm lợi. Một đằng mình quảng bá, mở luật chứng khoán, đưa các công ty đại chúng lên sàn niêm yết, mời gọi. Đằng khác lại lo sợ những công ty lớn, thương hiệu lớn bị bán đi. Vậy khác nào mình chỉ muốn người ta mua lại “công ty dỏm”. Muốn giữ lại các thương hiệu Việt, khi nó đang trên đà lung lay, không lẽ nhà nước lại đi hỗ trợ, là đang đi ngược với kinh tế thị trường”.
Doanh nghiệp Việt về tay người Thái - Bài 2: Người Thái có gì hơn người Việt? - ảnh 2
Dù có ông chủ Thái, Nhựa Bình Minh vẫn là thương hiệu Việt với các dòng sản phẩm “made in Vietnam”. Ảnh: Thuận Phong
Tiến sĩ kinh tế Phan Minh Ngọc cũng cho rằng nên cởi mở hơn với việc thương hiệu Việt “bán mình” cho người Thái. Bởi, các doanh nghiệp và thương hiệu Việt sau khi bị thâu tóm thì vẫn hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, đóng góp cho kinh tế nước nhà như mọi loại hình doanh nghiệp khác. Hàng hóa được sản xuất trên đất nước Việt Nam dĩ nhiên là “Made in Vietnam”, dù ông chủ thực sự của chúng là người Thái, hay đến từ bất kì nước nào.

“Đang nói về công nghệ 4.0 thì đừng tiếc gì những công ty đang có sẵn mà rơi vào tay người Thái. Thay vào đó, hãy tạo điều kiện cho những người kinh doanh giỏi ở Việt Nam, để phát triển thành những công ty mới lớn mạnh hơn. Hãy nhớ rằng, Mỹ là một nước kinh doanh rất lâu đời, nhưng trong vòng 20 năm nay, những công ty startup mới mở lại kiếm tiền nhiều và nhanh nhất như Facebook, Amazon, Microsoft, Apple… Vì vậy phát triển khả năng nội tại của doanh nhân Việt, khuyến khích khởi nghiệp quan trọng hơn nhiều việc lo sợ người Thái” – Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Sau khi về tay người Thái, Sabeco đã báo lãi ròng lịch sử, tăng khoảng 21% lên mức 5.050 tỷ đồng trong năm 2019, nhờ một loạt các hoạt động tái cơ cấu quan trọng. Dễ thấy nhất ở bề nổi là các hoạt động quảng cáo sản phẩm được đẩy mạnh. Đây cũng là doanh nghiệp có lượng tiền mặt khổng lồ, lên đến 16,5 ngàn tỷ đồng.

Nhựa Bình Minh trong tay người Thái cũng có kết quả kinh doanh khá khả quan. Theo báo cáo năm 2019, biên lợi nhuận trong 7 quý gần nhất luôn đạt trên mức 22,9%. Quý III năm 2019 lãi sau thuế của Nhựa Bình Minh là 120 tỉ đồng, tăng 4% so với 2018.

Trong khi đó với TCC Holdings, hệ thống Mega Market tiền thân là chuỗi siêu thị Metro vẫn chưa thể sinh lời. Thậm chí, cái tên Mega Market còn trở nên rất xa lạ với nhiều người Việt. Việc kinh doanh của hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim cũng gặp nhiều trở ngại, khi đối thủ là Điện Máy Xanh của Công ty cổ phần Thế Giới Di Động đang phát triển rất mạnh.