Categories Ô tô – Xe máy

Doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng giá cước

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết, nếu việc tăng giá xăng dầu kéo dài thì các doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải tăng giá cước. Và khi đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả chung, giá cả sẽ tăng theo làm gia tăng lạm phát. Chính vì vậy, cơ quan chức năng nên sớm có giải pháp tháo gỡ đồng bộ và hiệu quả.

Việc giá xăng dầu liên tục tăng trong vòng hơn một tháng qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải gặp khó vì hoạt động chưa thể phục hồi như trước đây, trong khi đó chi phí xăng dầu đầu vào lại có xu hướng tăng cao.

Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông cho biết, kể từ thời điểm Tết nguyên đán đến nay, đơn vị đã nhận được nhiều đề nghị điều chỉnh giá vé từ các nhà xe. Ông Tạ Chương Chín, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông TP.HCM cho biết, giá nhiên liệu tăng nên các đơn vị vận tải đang gặp khó khăn. Tình hình dịch bệnh phức tạp nên lượng khách khởi hành tại bến giảm mạnh hiện lượng khách chỉ đạt 32% so với lượng khách trước dịch. “Ngoài việc áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo quy định của Nhà nước thì đơn vị cũng hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khai thác các quầy bán vé, giảm giá để hỗ trợ phần nào. Hiện có 25 nhà xe kiến nghị tăng giá vé lên khoảng 26% và đang chờ cơ quan Nhà nước xem xét”, ông Chín cho biết.

doanh nghiep van tai ruc rich tang gia cuoc
Hiện doanh nghiệp vận tải vẫn đang chờ những động thái hỗ trợ từ các cơ quan chức năng

Tương tự, vận chuyển hành khách bằng taxi cũng gặp khó khi giá xăng tăng cao so với trước. Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Taxi) cho biết, với tình hình hiện tại, các doanh nghiệp taxi chỉ có còn nước chọn lựa tăng giá cước hoặc chấp nhận lỗ. Trong cơ cấu giá thành, xăng dầu chiếm từ 25-30%, với mức giá xăng như hiện nay, doanh nghiệp taxi gặp rất nhiều khó khăn. “Trong tình thế này, doanh nghiệp cân nhắc để hỗ trợ tài xế, tuy nhiên việc này cũng khó có thể kéo dài. Hiện doanh nghiệp vẫn đang chờ những động thái hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, sau đó mới tính toán đến việc thay đổi giá cước hay không”, ông Hỷ nói.

Đại diện Hiệp hội Taxi TP.HCM, Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và Du lịch TP.HCM cho biết, giá cước vận tải hàng hóa đường bộ, giá taxi trong những ngày tới đây sẽ phải điều chỉnh tăng theo một lộ trình. Các đơn vị này dự đoán giá xăng dầu từ nay đến cuối năm vẫn còn tăng. Do vậy, đại diện các đơn vị hiệp hội khuyến cáo doanh nghiệp ngoài việc đàm phán điều chỉnh giá cước vận chuyển, thì cũng phải rà soát lại toàn bộ quy trình hoạt động của công ty để giảm chi phí giá thành.

Không chỉ vận chuyển khách, vận chuyển hàng hóa cũng gặp tình trạng tương tự, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa cũng rục rịch lên phương án tăng giá mới. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa gửi các hãng tàu thông báo về việc điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái – Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD liên kết… với mức tăng 10 – 30% so với đơn giá được duy trì từ năm 2019. Và dự kiến mức giá điều chỉnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4. Theo đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, chi phí đầu vào nhiên liệu, giá cước vận chuyển, xếp dỡ tại các cảng và ICD đều tăng do đó, đơn vị buộc phải tăng giá để duy trì đảm bảo dịch vụ.

Để giảm phần nào khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng vừa đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông – Vận tải làm việc với Bộ Tài chính để có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải giảm 50% phí và lệ phí của phương tiện ra/vào các vùng nước để giao nhận hàng hóa tại các khu vực cảng biển, khu vực cụm các ICD và các bến thủy nội địa từ tháng 4/2022 đến hết 31/12/2022; giảm thuế GTGT cho các dịch vụ vận tải đường thủy từ 8% xuống còn 5%; xem xét điều tiết thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống còn 15%…

Để khắc phục phần nào khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, Bộ Giao thông -Vận tải cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan liên quan có chính sách hỗ trợ thiết thực như về tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán đối với doanh nghiệp ngành hàng không; có chính sách hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải thủy nội địa; xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết, nếu việc tăng giá xăng dầu kéo dài thì các doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải tăng giá cước. Và khi đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả chung, giá cả sẽ tăng theo làm gia tăng lạm phát. Chính vì vậy, cơ quan chức năng nên sớm có giải pháp tháo gỡ đồng bộ và hiệu quả.

Theo Minh Lâm/Thời báo Ngân hàng