Theo các chuyên gia thì dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và rất khó dự đoán. Do đó, đã đến lúc doanh nghiệp phải tính đến câu chuyện tái thiết các phương thức kinh doanh, tìm kiếm giải pháp để tồn tại và phát triển trong tình hình mới.
Hơn 82% doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19
Ông Hoàng Quang Phòng- Phó chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhận định, trải qua những tác động của dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Đáng lo hơn, đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước…
Ông Phạm Ngọc Thạch- Phó ban Pháp chế (VCCI) đánh giá, tác động của Covid-19 tới cộng đồng doanh nghiệp là hết sức nghiêm trọng. Số liệu thống kê của VCCI cho thấy, có đến 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ông Thạch cũng nhấn mạnh, không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp tại một trong những nền kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM chỉ hoạt động ở mức dưới 20% trong hai tháng qua. Hầu hết các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và khu chế xuất đều nghỉ vì không có điều kiện để làm 3T (3 tại chỗ – NV), trừ một vài doanh nghiệp lớn, có đủ không gian để sắp xếp.
“Đối với các khu công nghiệp và khu chế xuất, cũng chỉ có khoảng 18% doanh nghiệp hoạt động. Do đó, có thể thấy tác động của đại dịch đến các doanh nghiệp là rất lớn, ông Dũng thông tin.
Vị Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay các doanh nghiệp đã dùng nhà xưởng, mặt bằng,…để xây dựng bệnh viện dã chiến, phục vụ công tác chống dịch, đóng góp chung cho cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp
Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và rất khó dự đoán. Do đó, đã đến lúc doanh nghiệp phải tìm cách phục hồi sản xuất kinh doanh hay tính đến câu chuyện tái thiết các phương thức kinh doanh, tìm kiếm giải pháp để tồn tại và phát triển trong tình hình mới.
Theo bà Hà Thu Thanh- Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, 20 tháng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến đứt gẫy chuỗi cung ứng, đứt gãy cung – cầu và điều này tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, đây cũng là chất xúc tác mạnh để doanh nghiệp thúc đẩy phương thức kinh doanh, tăng tốc chuyển đổi số.
Bà Thanh cho rằng, doanh nghiệp cần có cái nhìn toàn diện hơn về quản trị rủi ro và phát triển bền vững. Bởi một chương trình quản lý khủng hoảng toàn diện có thể mang lại cách tiếp cận có tổ chức, có hệ thống để chuẩn bị và ứng phó đối với khủng hoảng cao gấp 3 lần.
Ông Trịnh Minh Anh- Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cũng nhận định, đại dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn. Do vậy, để thích ứng với tình hình này, các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng. Duy trì kết nối với khách hàng song phải đảm bảo an toàn cho mình và cho khách hàng trong đại dịch.
Cùng với nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Trịnh Minh Anh cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh hậu COVID-19 để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các FTA (Hiệp định Thương mại tự do) mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư.
Doanh nghiệp tự nhìn lại mình, từ đó xây dựng kế hoạch chuyển đổi, thích ứng tốt hơn, theo ông Chu Tiến Dũng thì trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, mỗi một doanh nhân, một công nhân trong các doanh nghiệp phải đóng vai trò như một người chiến sĩ ở tuyến đầu, góp phần phục hồi nền kinh tế đất nước.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho rằng, thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những doanh nghiệp đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch COVID-19. Rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ…đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử để vượt qua thách thức hiện tại.
Theo Bảo Phương/Chất lượng&Cuộc sống