Doanh nghiệp thủy sản gửi đơn lên Thủ tướng kêu khổ vì “mã số mã vạch”

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng đề xuất bãi bỏ quy định về “mã số mã vạch” gây khó cho doanh nghiệp

Theo VASEP, từ đầu năm tới nay đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp về bất cập liên quan đến quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu, lại đúng vào dịp cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Trong quý I vừa qua, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 1,6 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho biết khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp xuất phát từ một nội dung trong Nghị định 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Theo đó, doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch nước ngoài in trên bao bì hàng hóa khi xuất khẩu phải có giấy ủy quyền sử dụng mã số mã vạch từ doanh nghiệp nước ngoài, sau đó là giấy xác nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Vấn đề cốt lõi là quy định này đưa ra, như chúng tôi rà soát, không có điểm dựa pháp lý trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cũng như không thấy được quy định tương tự tại nhiều quốc gia đang có quan hệ thương mại với Việt Nam. Ngoài ra, thủ tục hành chính xuất phát từ quy định này cũng bất cập. Cụ thể ở đây là cơ quan duy nhất: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, thủ tục hiện làm bằng hồ sơ giấy, chưa triển khai đăng ký qua mạng gây tốn kém thời gian, công sức, tiền của cho doanh nghiệp. Để có được giấy xác nhận này, nhiều khi doanh nghiệp phải mất 20-30 ngày mới xuất được lô hàng vì mỗi lô hàng thường có nhiều mã hàng hoá.

Trong thời gian này, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng cho nguồn vốn sản xuất lô hàng và các chi phí cho việc lưu kho, lưu bãi lô hàng đó. Trong khi có rất nhiều đơn hàng gấp xuất đi châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… đòi hỏi cần hoàn tất lô hàng trong thời gian chưa đến 1 tuần. Đặc biệt, do nhiều nước không kiểm soát vấn đề mã số mã vạch trên bao bì hàng nhập khẩu nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó xin hồ sơ chứng minh mã số mã vạch của khách hàng được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận theo yêu cầu của Việt Nam” – ông Nam bức xúc.

Doanh nghiệp thủy sản gửi đơn lên Thủ tướng kêu khổ vì “mã số mã vạch” - Ảnh 1.
Cá tra, basa Việt Nam được bán tại hệ thống bán lẻ Tesco (Anh) có sử dụng mã số mã vạch nước ngoài, theo quy định hiện hành doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải có giấy xác nhận sử dụng mã nước ngoài.

Theo ông Nam, mã số mã vạch nước ngoài mà doanh nghiệp in trên bao bì sản phẩm theo đơn đặt hàng của chủ hàng, hoàn toàn không liên quan gì đến chất lượng sản phẩm, không chứa đựng thông tin về chất lượng sản phẩm mà chỉ có thông tin về doanh nghiệp sở hữu sản phẩm, mã sản phẩm cụ thể và quốc gia của doanh nghiệp sở hữu sản phẩm đó. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 cũng không có quy định về mã số mã vạch nên quy định về đăng ký sử dụng mã số mã vạch tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP là không có cơ sở pháp lý.

Tuy quy định vô lý, khó thực hiện nhưng doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện vì quy định đã ban hành kèm theo chế tài phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu doanh nghiệp không xuất trình được xác nhận sử dụng mã nước ngoài.

Trước những bất cập trên, VASEP kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét bãi bỏ nội dung quy định về sử dụng mã số mã vạch nước ngoài tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP; trong thời gian chờ xem xét bãi bỏ, VASEP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng thực hiện nội dung trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Ngọc Ánh/Báo Người lao động