Doanh nghiệp thủy sản ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng năm 2021

Năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp tthủy sản vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm qua.

Hết năm 2021, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm qua.
Hết năm 2021, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm qua.

Kinh doanh khởi sắc

Năm 2021, ngành thủy sản đã trải qua những cung bậc thăng trầm vì dịch Covid-19. Cùng với đó, là chuỗi giá trị thủy sản tiếp tục bị gián đoạn, gây tác động tiêu cực đến nguồn cung và logistics của ngành thủy sản. Ngoài ra, hầu hết các công ty xuất khẩu (đặc biệt là các công ty ở châu Á) phải chịu chi phí gia tăng do thiếu container, giá cước vận chuyển tăng và tình trạng tắc nghẽn cảng kéo dài.

Một năm đối diện với nhiều khó khăn nhưng vào quý 4, ngành đã có sự phục hồi bứt phá, xuất khẩu đã khởi sắc. Hết năm 2021, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã  ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm qua, với doanh thu, biên lợi nhuận gia tăng nhờ giá thủy sản xuất khẩu phục hồi.

Đầu tiên có thể kể đến trường hợp Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC). Năm 2021, FMC có doanh thu đạt mức kỷ lục gần 5.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cũng lên mức cao nhất trong lịch sử hoạt động với 289 tỷ đồng.

Hay  như kết thúc năm 2021, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đã lội ngược dòng trong hai quý cuối năm, ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Doanh thu của VHC năm 2021 đạt 9.054 tỷ, tăng 28,7% so với năm 2020, nhờ hai nhóm sản phẩm chính đều tăng mạnh trở lại.  Lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đạt 1.110 tỷ, tăng 57,5% do biên lợi nhuận gộp tăng mạnh lên mức 19.4% so với mức biên 14.2% của năm 2020.

Công ty cổ phần Camimex Group (mã chứng khoán: CMX) cũng báo cáo doanh thu quý 4/2021 tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước đó và lợi nhuận tăng 24% lên 24 tỷ đồng. Tính cả năm doanh nghiệp này có doanh thu 2.190 tỷ đồng, lãi gần 83 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và 38% so với năm liền trước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (Aquatex Bến Tre), doanh thu trong kỳ ghi nhận tăng mạnh 69% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 131 tỷ đồng. Nhờ giá vốn thấp nên lợi nhuận gộp đạt 33,5 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với quý 4/2020. Sau khi trừ các chi phí, lãi ròng của Aquatex Bến Tre đạt tới 14,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng.

Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 27% trong năm 2021, đạt hơn 1.213 tỷ đồng; lãi ròng đạt gần 43 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2020.

Nhiều tín hiệu khả quan năm 2022

Nhận định về triển vọng ngành thủy sản năm 2022, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, xuất khẩu thủy sản năm 2022 có thể phục hồi hoàn toàn nhờ vào dịch bệnh được kiểm soát tốt ở các thị trường tiêu thụ để ổn định nhu cầu tiêu thụ ở mức cao so với 2021.

Bên cạnh đó, các chính sách “Bình thường mới” thúc đẩy các nhà xuất khẩu thích ứng với dịch bệnh và duy trì chuỗi cung ứng thủy sản, thuế suất ưu đãi của các hiệp định EVFTA, UKVFTA và các thị trường niềm năng trong hiệp định CPTPP như Mexico, Canada, Nhật Bản là những động lực then chốt tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nước cung ứng khác. Những hạn chế về logistic có thể giảm dần trong nửa cuối năm 2022.

Công ty chứng khoán VCBS cho rằng giá xuất khẩu thủy sản sẽ giữ đà tăng nhờ triển vọng xuất khẩu từ các thị trường lớn; các thị trường chính đang trên đà hồi phục nhờ tỷ lệ tiêm vaccine trên diện rộng và các gói hỗ trợ sau dịch Covid được triển khai.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu tại các quốc gia sản xuất đều tăng, tạo cơ sở đẩy giá xuất khẩu; kênh nhà hàng, khách sạn đang từng bước mở cửa trở lại và xu hướng ưa chuộng các thực phẩm chế biến sâu vẫn tiếp tục được ưa chuộng sau dịch.

Ngoài ra, ngành thủy sản còn có tiềm năng lớn từ các FTA mới như EVFTA và CPTPP. EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và Nhật Bản. Thị trường này luôn chiếm trên 17-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; trong đó riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30-35%.

Theo Hiệp định EVFTA, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0-22%; trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22% được về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm.

Bên cạnh đó, Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 cũng được kỳ vọng tạo cú hích cho xuất khẩu thuỷ sản, đặc biệt là tại các thị trường Nhật bản, Hàn quốc, Australia…

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt cũng nhận định, chi phí cước tàu hạ nhiệt sẽ là yếu tố tích cực cải thiện lợi nhuận của các công ty và đẩy nhanh xuất khẩu sang các thị trường có chi phí vận chuyển cao như châu Âu. Theo World Composite Index, chi phí vận tải hàng hóa bắt đầu giảm vào tháng 11/2021 sau khi đạt đỉnh trong tháng 9 và tháng 10/2021.

SSI Research cũng kỳ vọng nhu cầu phục hồi tại châu Âu và Trung Quốc sẽ mạnh hơn do 2 năm liên tiếp ở mức thấp, nhờ tác động của Hiệp định EVFTA và nới lỏng hạn chế thủy sản tại các cảng của Trung Quốc. Theo đó, nhu cầu phục hồi sẽ hỗ trợ giá bán bình quân tiếp tục xu hướng tăng.

Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình nhận định, triển vọng ngành thủy sản năm 2022 dự kiến tiếp tục lạc quan, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 9 tỷ USD.

Theo Bảo Phương/Chất lượng&Cuộc sống