Doanh nghiệp thủy sản gặp khó vì chi phí tăng cao

Hiện nay, doanh nghiệp ngành thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng thiếu lao động, chi phí tăng cao, đơn hàng giảm và nguyên vật liệu đầu vào hạn chế.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp thủy sản

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trải qua hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động 3 tại chỗ, kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng đối với ngành thủy sản.

Theo đó, trong tháng 8, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 520 triệu USD, giảm 36% và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực.

Trong tháng 8/2021, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo kết quả khảo sát của VASEP, trong hơn 1 tháng vừa qua, chỉ có khoảng 30-40%% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và cũng chỉ huy động được 40-50% người lao động tham gia sản xuất, do đó công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, lúc đầu, các doanh nghiệp nghĩ chỉ giãn cách trong khoảng hai tuần nên điều phối hàng trong kho cho khách hàng. Nhưng nay giãn cách kéo dài thì doanh nghiệp không đủ hàng để giao cho khách.

Theo ông Nam, hiện nay ngành thủy sản đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Ở các tỉnh phía Nam 70% các nhà máy phải dừng sản xuất do các vấn đề liên quan đến dịch bệnh và số nhà máy còn lại, lượng công nhân đi làm cũng chỉ còn khoảng 20-40%. Điều này khiến công suất chế biến bị giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp vừa không có hàng trả đơn, vừa không thu mua được nguyên liệu cho ngư dân và nông dân.

Việc kéo dài thời gian cách ly liên tục khiến nhiều bạn hàng mất kiên nhẫn.

Các nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đầu vào của ngành thủy sản bị khan hiếm, khó tiếp cận do mỗi địa phương lại có chính sách chống dịch khác nhau, gây khó khăn cho công tác vận chuyển.

Áp lực về kinh phí, trong khi công suất giảm, người lao động giảm, thiếu nguyên phụ liệu thì tổng chi phí của doanh nghiệp lại tăng lên. Các doanh nghiệp vẫn phải chi trả cho lượng nhân công nghỉ dịch, còn với những lao động làm việc theo “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải trả chi phí lớn hơn 50% thông thường bởi ngoài lương còn có tiền phụ thêm, chi phí lo ăn, lo điều kiện vật chất… Chi phí sản xuất trên đơn vị sản phẩm hiện rất lớn.

unnamed
Trong khi công suất giảm, người lao động giảm, thiếu nguyên phụ liệu thì tổng chi phí của doanh nghiệp lại tăng lên. Ảnh: ST.

Tích cực tháo gỡ khó khăn

Trước tình hình này, VASEP cũng dự báo, xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20% đạt khoảng 660 triệu USD. Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vắc xin, các công ty không phải sản xuất 3 tại chỗ, xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt được xuất khẩu khoảng 8,5-8,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm dự báo đạt khoảng 3,9 – 4 tỷ USD, cá tra khoảng 1,5 tỷ USD, xuất khẩu hải sản khoảng 3,1 tỷ USD.

Cũng theo VASEP thì diễn biến Covid vẫn còn đang căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở TP.HCM và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương), trong khi việc triển khai tiêm vắc xin cho lực lượng công nhân tại các KCN, KCX vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Với thực trạng đó, bức tranh sản xuất và xuất khẩu thủy sản tháng 9 vẫn ảm đạm.

Vì vậy, VASEP kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tác động đến các địa phương khu vực phía Nam để ưu tiên tiêm vaccine mũi 1 cho người làm việc trong ngành thủy sản. Mặc dù một số nơi đã ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân chế biến thủy sản, như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… nhưng nhiều tỉnh khác chưa tiêm vaccine cho ngành này.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các địa phương khi doanh nghiệp trình kế hoạch sản xuất khi việc giãn cách được nới lỏng, như vậy sẽ giúp kế hoạch sản xuất được phê duyệt nhanh hơn.

Ngoài ra, VASEP cũng muốn Bộ kiến nghị địa phương mở lại các chợ đầu mối ở các thành phố lớn để thúc đẩy tiêu thụ, tạo điều kiện cho ngư dân, nông dân có động lực trở lại sản xuất.

Tại Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn về sản xuất, tiêu thụ thủy sản trong bối cảnh dịch Covid-19 với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và người tham gia chuỗi thủy sản được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, thủy sản đóng vai trò rất quan trọng khi chiếm 35,1% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp. Ngoài ngành chăn nuôi thì thủy sản còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Nếu như không chuẩn bị tốt về vật tư đầu vào như con giống, nguồn lao động, hỗ trợ tín dụng thì sẽ không bảo đảm điều kiện sản xuất vụ mới do dịch COVID-19 dự báo còn kéo dài.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu bức tranh tổng thể về sản xuất thuỷ sản Việt Nam: Qua 8 tháng đầu năm sản lượng thủy sản đạt 5,7 triệu tấn. Như vậy bình quân 1 tháng là 743.000 tấn, để đáp ứng mục tiêu thì từ nay đến cuối năm phải đạt 723.000 tấn/tháng.

Vấn đề đặt ra phải sớm giải quyết tồn đọng dưới ao nuôi, nhưng lại có khó khăn mâu thuẫn là nếu không giải quyết được khâu tiêu thụ và xuất khẩu thì lại tồn đọng ở kho, khi đó sẽ khó khăn không giải quyết được thủy sản ở các ao nuôi.

Theo Bảo Phương/Chất lượng&Cuộc sống