Hầu hết sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp thủy sản bị ngành thuế coi là hàng “sơ chế”, tương tự như hàng từ các vựa lặt đầu tôm, bóc vỏ,…nên có thể bị truy thu thuế
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản gửi Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) đề nghị được bố trí một buổi làm việc trong tháng 8 này để trao đổi về những vướng mắc, bất cập cũng như kiến nghị về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành đối với hoạt động chế biến thủy sản.
Trong văn bản này, VASEP đề cập vướng mắc lớn nhất hiện nay là đa số mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu bị áp sang hàng “sơ chế” thay vì là “chế biến” khiến các DN không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN.
Theo VASEP, nhiều DN thủy sản đang bị áp mức thuế suất thuế TNDN cho hàng thủy sản là sơ chế với mức 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các DN này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế suất TNDN ưu đãi là 10% (với địa phương được xếp nhóm là địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn) hoặc 15%.
“Một số DN trước đây đã từng được các Cục Thuế tỉnh cho hưởng ưu đãi thuế TNDN với mức thuế suất 15%. Tuy nhiên, sau một số công văn hướng dẫn được ban hành từ cuối 2017 đến nay, các sản phẩm của DN lại bị quy sang hàng sơ chế và thuế suất DN phải nộp lại tăng lên 20%. Điều này đã gây ra thiệt hại lớn cho DN vì trước đó DN được hưởng ưu đãi nên khi bán hàng đã chấp nhận giảm giá cho khách hàng nước ngoài và cân đối nâng giá thu mua tôm nguyên liệu của người dân để tăng lượng khách hàng và lượng nguyên liệu thu mua được. Do đó, sau khi DN bị nâng mức áp thuế TNDN và bị truy thu thuế đã khiến nhiều DN rơi vào con đường thua lỗ nghiêm trọng” – VASEP phân tích.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhấn mạnh hoạt động tại các nhà máy thủy sản là “chế biến” đúng nghĩa. “Không thể đánh đồng một nhà máy chế biến thủy sản có vốn đầu tư lớn, mức độ công nghệ áp dụng cao và quy trình chế biến phức tạp với một vựa mua bán, sơ chế thủy sản đơn giản kiểu như: lặt đầu tôm, bóc vỏ, ướp đá,… Hầu như các sản phẩm thủy sản chế biến của các DN được đóng gói hoàn chỉnh để bán ra trực tiếp tại các siêu thị nước ngoài, không thể gọi là sơ chế được” – ông Hòe bày tỏ.