Doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng do chi phí logistics tăng cao

Đầu năm 2022, mặc dù đơn đặt hàng từ khách hàng nước ngoài rất nhiều nhưng doanh nghiệp lương thực thực phẩm, chế biến gỗ… không dám nhận, không dám ký do chi phí logistics tăng cao và thời gian vận chuyển kéo dài.

Nhiều doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng do chi phí logistics tăng cao, đồng thời thời gian vận chuyển cũng kéo dài. (Ảnh: minh họa)
Nhiều doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng do chi phí logistics tăng cao, đồng thời thời gian vận chuyển cũng kéo dài. (Ảnh: minh họa)

Doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng

Tại hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh cảnh dịch Covid -19” được tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, do tác động nặng nề của đại dịch, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố chỉ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2020. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu đều có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%…

Công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM đang được triển khai tốt nhưng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp khó vẫn đối mặt áp lực lớn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết: “Hiện công ty ngành gỗ đang đối diện với  nhiều khó khăn do thiếu nhân công, nguyên vật liệu tăng giá và đặc biệt là phí vận chuyển tăng rất mạnh. Vì vậy dù sản xuất tất bật nhưng lợi nhuận không được bao nhiêu”.

Ông Phương cũng khẳng định: “Thậm chí có nhiều đơn hàng chúng tôi không dám ký với đối tác vì không có lợi nhuận hoặc không đáp ứng được các đòi hỏi về thời gian giao hàng”.

Ngoài ra, ông Phương nêu thực tế hiện nay tiêu chuẩn mua hàng tại thị trường châu Âu khó hơn. Trước đây đối tác chỉ đòi hỏi gỗ có nguồn gốc hợp pháp rồi đến các tiêu chuẩn về lao động. Nay họ yêu cầu tiêu chuẩn về môi trường, tính bền vững. Ví dụ như vấn đề tái chế, quản lý môi trường trong nhà máy, bao bì sản phẩm…

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết: Đây là giai đoạn tất bật nhất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm để sản xuất hàng Tết và giao đơn xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang rất thận trọng khi nhận đơn, nhiều đơn vị phải từ chối bớt bạn hàng.

Nguyên nhân, theo bà Kim Chi là chi phí logistics tăng cao, đồng thời thời gian vận chuyển cũng kéo dài. Trước đây, giá một container đi Mỹ chỉ khoảng 2.000 USD trở lại, nhưng hiện nay trả đến 15.000 USD/container 40 feet vẫn không đặt được. Tương tự, giá container đi Nga lúc này khoảng 9.000-10.000 USD, trong khi ngày trước chỉ 1.200 USD. Chi phí logistics đẩy giá thành sản phẩm tăng cao.

Bà Lý Kim Chi cũng cho biết: “Nếu trước đây thời gian từ lúc đặt chuyến đến khi hàng hóa qua đến Mỹ là 28 ngày, thì bây giờ thời gian chờ container rỗng đã có thể kéo đến 2-3 tháng. Hàng chúng tôi có hạn dùng chỉ một năm mà mất đến 3 tháng vận chuyển thì thời gian sử dụng bị rút ngắn rất nhiều”.

Theo ông Huỳnh Văn Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, chi phí vận tải biển đã tăng hơn 10 lần trong 2 năm qua, gây áp lực lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

“Các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi đã cố gắng giữ không tăng giá trong thời gian qua nhưng do chỉ chiếm một công đoạn nhỏ trong toàn bộ quá trình xuất khẩu nên chi phí tổng thể vẫn tăng”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng lo ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam không đảm bảo được sản xuất nên đã có sự chuyển dịch đơn hàng sang nước khác.

Cũng theo ông Cường thì để ứng phó trước nguy cơ trễ đơn hàng, hư hỏng hàng hóa, đền hợp đồng…, các công ty Việt chấp nhận chuyển từ vận tải đường biển sang đường hàng không. Tuy nhiên, vận chuyển bằng hình thức này chi phí cao, không có lợi nhuận thậm chí thua lỗ.

Cần hình thành mạng lưới các doanh nghiệp logistics lớn

Bà Lý Kim Chi cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, các bộ, ngành cần có giải pháp thúc đẩy phát triển chuỗi dịch vụ logistics, hệ thống kết nối dữ liệu và thương mại điện tử.  Đồng thời cần tăng cường ký kết các thỏa thuận hợp tác hoặc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra giữa Việt Nam và các nước đối tác nhằm giảm bớt các thủ tục hải quan.

Bà Chi kiến nghị, cần tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu. Các tỉnh, thành nên chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế cũng như thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng cho những mặt hàng này vào thị trường có nhu cầu phù hợp.

Trong bối cảnh này, ông Huỳnh Văn Cường cho rằng, Việt Nam cần hình thành mạng lưới các doanh nghiệp logistics lớn và có cơ chế đặc biệt cho các doanh nghiệp này phát huy vai trò dẫn dắt thị trường để giảm chi phí logistics, giúp ngành này phát triển.

“Các công ty logistics Việt Nam chỉ cung cấp các dịch vụ phổ thông cơ bản. Ngoài việc chưa đủ tiềm lực, kinh nghiệm thì vấn đề cốt lõi là 65% hàng nhập khẩu và 73% hàng xuất khẩu được thực hiện bởi doanh nghiệp FDI. Hầu hết gói logistics đều được chỉ định từ các gói thầu quốc tế và đương nhiên miếng bánh còn lại trong nước chỉ là một phân đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó, theo ông Cường thì các công ty xuất nhập khẩu, logistics nên chủ động lựa chọn các giải pháp, địa điểm, cách thức giao nhận mới thay vì truyền thống.

Ông Cường cũng kiến nghị, Chính phủ cần khoanh vùng các công ty sản xuất được xác định là mũi nhọn của quốc gia, định hướng ưu tiên hợp tác với các công ty logistics đầu ngành Việt Nam theo đúng tinh thần người Việt Nam dùng dịch vụ của công ty Việt Nam.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, đề án hướng đến chiến lược phát triển cụm ngành logistics, chú trọng quy hoạch lại hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics, tăng kết nối từ vùng sản xuất đến vùng xuất khẩu, đưa thành phố thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu của vùng.

Ông Hiếu cho hay, đề án đang được xây dựng, định ra chiến lược đến 2025, tầm nhìn 2030.

Theo Bảo Phương/Chất lượng&Cuộc sống

Print Friendly, PDF & Email