Doanh nghiệp gỗ đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu khởi sắc

Ngay quý đầu năm xuất khẩu gỗ đã lại lấy được đà tăng trưởng, kèm theo nhiều yếu tố thuận lợi đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp gỗ mạnh dạn đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp gỗ niêm yết cũng đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp gỗ niêm yết cũng đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu trong thời gian tới.

Xuất khẩu gỗ lấy lại đà tăng trưởng

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Vifores), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Vifores, điều đáng nói là, trong 4 tháng qua, thị trường xuất khẩu của mặt hàng gỗ rất bền vững, uy tín. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam.

4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Nói về những kết quả này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores nhận định, hiện xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ… đây đều là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

“Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận đơn hàng đến hết quý 3 và thậm chí đến hết năm 2022. Với kết quả tích cực đạt được trong những tháng đầu năm 2022, dự báo xuất khẩu khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 sẽ tăng từ 5 – 8% so với cùng kỳ năm 2021”.

Cùng với đó những yếu tố chính thúc đẩy ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong thời gian tới như: Doanh nghiệp gỗ của Việt Nam có nhiều lợi thế so các nước xuất khẩu đồ gỗ, bởi Trung Quốc không khuyến khích phát triển đồ gỗ và chi phí tăng cao.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết, nhờ vào các hiệp định như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã thuận lợi đưa đơn hàng ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác.

Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết thêm, thời gian qua, các mặt hàng nội thất bằng gỗ xuất khẩu đều tăng mạnh, dẫn đầu là nội thất phòng khách, phòng ăn, tiếp theo là nội thất phòng ngủ. Về thị trường, ngoài Mỹ, Canada và Australia đang là những thị trường tốt cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, bức tranh xuất khẩu gỗ trở càng trở nên “tươi sáng” nhờ thông tin hỗ trợ từ Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu của đề án hướng tới giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và đạt 25 tỷ USD vào năm 2030.

Doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh

Theo kế hoạch được công bố, nhiều doanh nghiệp gỗ niêm yết cũng đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu trong thời gian tới.

Công ty cổ phần Phú Tài (mã: PTB) công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 1/2022 và kế hoạch quý 2/2022. Theo đó, trong quý 1/2022, công ty ước tính ghi nhận 1.735,6 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 180,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 43% so với cùng kỳ và lần lượt hoàn thành 24% và 23% kế hoạch năm.

Bước sang quý 2/2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.977 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 213 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu tăng 21% lên 3.713 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 38% so với cùng kỳ năm trước lên 393 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, PTB đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 7.250 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện 2021. Lợi nhuận trước thuế 790 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế 632 tỷ đồng, tăng 20%.

Theo số liệu từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2022 của CTCP Gỗ An Cường (UPCoM: ACG), doanh thu thuần của công ty đạt 856 tỷ đồng, tương ứng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 251,7 tỷ đồng, tăng 7,8%. Biên lợi nhuận gộp vẫn được duy trì ở quanh mức 29%. Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận sau thuế của An Cường đạt 120 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh quý đầu năm 2022 của Gỗ An Cường được cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hoạt động kinh doanh phục hồi và lấy lại nhịp tăng trưởng sau khi Covid-19 đã được kiểm soát, đồng thời công ty đã kiểm soát tốt chi phí phát sinh trong kỳ.

Cũng trong năm nay, Gỗ An Cường lên kế hoạch doanh thu đạt 4.242 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 550 tỷ đồng, tương ứng tăng 29% và 22% so với thực hiện năm ngoái. Theo đó, kết thúc quý 1, doanh nghiệp này đã đạt 20% kế hoạch năm với doanh thu 862 tỷ đồng và 22% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã: TTF)  công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 với các chỉ tiêu đều tích cực hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần tăng 72% lên 536 tỷ đồng. Công ty lãi gộp gần 75 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái là 11,5%.

Kết quả, TTF lãi sau thuế hơn 18,5 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ 39 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Năm nay, TTF lên kế hoạch đạt 2.268 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 41% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 72 tỷ đồng, gấp gần 29 lần so với kết quả đã kiểm toán năm ngoái. Như vậy sau 3 tháng đầu năm, TTF đã thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 26% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Còn Công ty Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2022 sẽ tăng mạnh 48% so với cùng kỳ lên 500 tỷ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu năm 2022 dự kiến tăng 48% lên 425 tỷ đồng, tiếp tục là nguồn đóng góp chính khi chiếm 85% kế hoạch doanh thu thuần.

Doanh thu nội địa và các mảng khác năm 2022 dự kiến sẽ tăng 44% so với cùng kỳ lên 75 tỷ đồng, tương ứng chiếm 15% mục tiêu doanh thu thuần năm 2022.

Kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2022 kỳ vọng đạt 94,3 tỷ đồng, tương ứng tăng mạnh 55% so với thực hiện năm 2021, với giả định biên lãi ròng năm 2022 tăng trở lại đáng kể lên 18,9% từ mức 16,6% năm 2021.

Theo Minh Vân/Chất lượng&Cuộc sống