Categories Thị trường

Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Ngày 4/4/2025, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu Tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, với mục tiêu đưa ra các giải pháp và chiến lược mới cho ngành lúa gạo trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang có những thay đổi mạnh mẽ.

Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Với chủ đề “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, hội thảo sẽ tập trung vào việc tìm ra các giải pháp đột phá để phát triển ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành lúa gạo. Các chuyên gia và nhà quản lý sẽ cùng nhau thảo luận về việc định vị lại giá trị của hạt gạo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế, từ đó thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao ra thế giới. Cùng với đó, mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng giá trị gạo Việt Nam sẽ là trọng tâm trong các cuộc trao đổi tại hội thảo.

Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới ảnh 1
Quang cảnh hội thảo.

Hiện nay trên thị trường xuất khẩu có 3 loại: Gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu phần lớn là gạo chất lượng cao, khi chiếm tới 60 – 70%, gạo cao cấp có tên thương hiệu chiếm khoảng 15%, 10 – 15% còn lại là gạo thường. Các thống kê cho thấy, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam ít bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác. Gạo của Việt Nam hiện có mặt ở nhiều quốc gia, nhiều thị trường khó tính nhờ chất lượng cao.

Việt Nam với khí hậu nhiệt đới, mỗi năm chúng ta có tới 3 mùa vụ, điều này cho thấy bà con có thể canh tác quanh năm. Cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam có tỷ trọng lớn là gạo chất lượng cao (60-70%) và gạo cao cấp có thương hiệu (khoảng 15%), khoảng 10-15% là gạo cấp thấp.

Vị thế của ngành gạo với thị trường quốc tế, vị thế của cây lúa trong nền kinh tế không thể thay thế.

Vậy làm sao để giữ giá gạo xuất khẩu ổn định? Làm sao để đảm bảo cân đối cung – cầu ngành lúa gạo? Làm sao tăng thu nhập cho người dân? Và làm sao để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp uy tín yên tâm phát triển?

Định vị và khẳng định vị trí hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Bích, Tổng Biên tập Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ khẳng định, nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn có vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà cả trong thời gian sắp tới.

Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới ảnh 2
Bà Trần Thị Thanh Bích, Tổng Biên tập Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ phát biểu khai mạc hội thảo.

 

Điều này đã một lần nữa được khẳng định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 24/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khi xác định nông nghiệp là “lợi thế quốc gia”, là “trụ đỡ của nền kinh tế”. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững là một trong những nền tảng quan trọng để chúng ta hướng tới mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, giàu mạnh.

Đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, nền kinh tế đang chứng kiến những thay đổi sâu rộng, đặc biệt là trong việc phát triển bền vững và định vị ngành nông nghiệp nói chung, ngành lúa gạo nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

“Muốn định vị và khẳng định vị trí hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới chúng ta cần có khát vọng phát triển ngành nông nghiệp bền vững, cũng như thay đổi cách thức phát triển công nghệ, ứng dụng AI trong nông nghiệp, tư duy làm chính sách…; qua đó giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa”, bà Trần Thị Thanh Bích nhấn mạnh.

Theo Bà Trần Thị Thanh Bích, năm 2024, ngành gạo Việt Nam đã tạo dấu ấn đặc biệt với sản lượng xuất khẩu đạt kỷ lục 9,18 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,75 tỷ USD, giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng, đồng thời mở ra kỳ vọng cho một năm mới tiếp tục gặt hái thành công. Điều đó khẳng định vị lúa gạo không chỉ là trụ cột của nền kinh tế nông nghiệp mà còn là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam.

Ngành hàng lúa gạo Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, hội thảo là sự kiện có ý nghĩa chiến lược đối với ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là chuỗi ngành hàng lúa gạo.

Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới ảnh 3
Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại Hội thảo.

Ông Hè nhấn mạnh, ngành hàng lúa gạo Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Trong đó, ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, là vùng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hạt gạo của Việt Nam đã được khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo có những bước thăng trầm, đời sống của người nông dân trồng lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người trồng lúa còn thấp hơn so với một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, sản xuất lúa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường, vấn đề chất lượng yêu cầu ngày càng cao, vấn đề thương hiệu…

Ông Hè cũng cho biết, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 là một cơ hội, là giải pháp để tiếp tục thúc đẩy ngành hàng lúa gạo phát triển. Việc triển khai đề án trong thời gian qua đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các tỉnh, thành trong khu vực tích cực triển khai ngay từ bước ban đầu.

Ngân hàng đồng hành cùng nhà nông, nhà doanh nghiệp để phát triển lúa gạo bền vững

Ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 14 cho biết, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 14 (gồm TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu), với 183 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới ảnh 4
Ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 phát biểu tại hội thảo.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn ưu tiên, xác định nông nghiệp là lĩnh vực tập trung vốn đầu tư, đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và đã có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Hà, tính tới cuối tháng 12/2024, dư nợ tín dụng cho ngành nông nghiệp của khu vực là 202.000 tỷ đồng, trong đó ngành hàng lúa gạo là 121.000 tỷ đồng, chiếm 55% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc.

Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng đầu tư tín dụng cho ngành hàng lúa gạo trên địa bàn còn nhiều khó khăn thách thức, như: rủi ro do biến đổi khí hậu; 95% doanh nghiệp ở ĐBSCL là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thông tin tài chính thiếu minh bạch, ảnh hưởng tới việc cho vay.

Xuất khẩu gạo tăng trưởng, hướng tới chất lượng cao, chi phí thấp

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, cho biết xuất khẩu gạo đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua số liệu xuất khẩu ấn tượng và định hướng nâng cao giá trị sản phẩm.

Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới ảnh 5
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex.

Theo ông Nam, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh, từ 6 triệu tấn những năm trước lên 7,5 triệu tấn năm 2022 và vượt lên 9,18 triệu tấn năm ngoái, doanh thu trên 5,7 tỷ USD. Ngoài lúa gạo của Việt Nam, các doanh nghiệp còn nhập khẩu lúa từ Campuchia với khoảng 3 triệu tấn năm 2023 và 3,8 triệu tấn năm 2024.

Ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu trong quý I năm nay đạt 2.250.160 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực, với xu hướng tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao.

Cũng theo ông Nam, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, hoàn thuế, cơ sở hạ tầng logistics. Do đó, ông Nam kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ về chính sách tài chính, cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu lương thực, trong đó có gạo.

Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới. Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.

“Ngành lương thực Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng, tin tưởng rằng ngành lương thực sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước”, ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh.

Theo Thùy Chi/ngaynay.vn