Điểm chuẩn ở nhiều trường đại học TP HCM biến động mạnh

Điểm chuẩn ở một số trường đại học tại TP HCM có biến động mạnh, trong khi một số trường có điểm chuẩn tăng nhẹ, có trường lại giảm tới 5 điểm.

Điểm chuẩn ở nhiều trường đại học TP HCM biến động mạnh

Điểm chuẩn của trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh từ 16 đến 22,5 điểm. Trong số 33 ngành đào tạo của trường, 10 ngành có điểm chuẩn từ 20 trở lên, trong đó ngành có điểm chuẩn cao nhất là Marketing; kế đến là ngành Thương mại điện tử (ngành mới tuyển sinh) 22 điểm; 12 ngành có cùng mức điểm chuẩn 16. Điểm chuẩn ở tất cả các ngành của trường đều giảm so với năm trước.

Điểm chuẩn giảm mạnh nhất là ở các ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Công nghệ Sinh học, thấp hơn năm trước 5 điểm. Các ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị khách sạn điểm chuẩn cũng giảm 4,5 điểm; ngành Kế toán giảm 3,5 điểm, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh giảm 2,5-3 điểm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, sở dĩ điểm chuẩn của trường giảm mạnh là do năm nay trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, năm nay tổng chỉ tiêu của trường là 6.500, tăng đến 2.200 chỉ tiêu so với năm trước. Dự kiến trường sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cho 10 ngành đào tạo chưa tuyển đủ.

Tại trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Thương mại điện tử có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất, với 27,48 điểm. Hai ngành khác của trường có điểm chuẩn trên 27 là Hệ thống thông tin quản lý 27,06 điểm, Digital Marketing (bắt đầu tuyển sinh năm 2023) 27,25 điểm.

Mức điểm chuẩn thấp nhất là 24,06 điểm (tăng 1,05 điểm so với năm trước) của ngành Toán Kinh tế (chương trình bằng tiếng Anh). Điểm trúng tuyển trung bình ở các ngành lĩnh vực Kinh tế là 25,89 điểm, lĩnh vực Kinh doanh 26,04 điểm, lĩnh vực Luật 25,32 điểm.

Theo đại diện nhà trường, trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tái cấu trúc chương trình đào tạo. Theo đó, từ năm 2023 trường có 21 ngành, chuyên ngành bằng tiếng Việt, 7 ngành, chuyên ngành bằng tiếng Anh; đồng thời, trường dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao.

Mức điểm trúng tuyển 5 ngành đào tạo của trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 22,91 đến 27,11 điểm, tùy từng ngành và tổ hợp xét tuyển; trong đó, ngành Luật có điểm chuẩn từ 22,91 đến 27,11 điểm, tùy tổ hợp; ngành Luật thương mại quốc tế có điểm chuẩn 26,68 điểm cho tất cả các tổ hợp; ngành Quản trị – Luật điểm chuẩn từ 24,45 đến 25,85; ngành Quản trị kinh doanh có điểm chuẩn 24,16 ở tất cả các tổ hợp; Ngôn ngữ Anh từ 24,78 đến 25,78 điểm.

Theo lãnh đạo nhà trường, hiện trường chưa tiến hành xét phân khoa để quản lý sinh viên đối với thí sinh trúng tuyển vào ngành Luật. Sau khi thí sinh xác nhận nhập học trên Hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm thủ tục nhập học chính thức tại trường, căn cứ vào năng lực đào tạo của từng khoa, nguyện vọng và số lượng thí sinh nhập học chính thức, trường sẽ công bố kết quả xét vào các khoa, trước khi thí sinh vào học chính thức.

Năm nay, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh đào tạo liên thông giữa 3 ngành: Luật, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành tiếng Anh pháp lý), trong đó đặc biệt tập trung vào chương trình đào tạo liên thông từ ngành Quản trị kinh doanh và ngành Ngôn ngữ Anh sang ngành Luật.

Tại trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, mặt bằng điểm chuẩn tăng đều so với năm trước; trong đó, điểm chuẩn của 54 chương trình đào tạo tuyển sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 22,49 đến 27,2 điểm. Các ngành đào tạo tại Phân hiệu Vĩnh Long có cùng mức điểm chuẩn 17. Trường dự kiến sẽ tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu cho 12 chương trình đào tạo tại Phân hiệu Vĩnh Long.

Phân tích dữ liệu tuyển sinh của trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, xu hướng lựa chọn ngành của thí sinh có sự quan tâm nhiều đến các ngành mới thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng và tích hợp đa lĩnh vực. Do đó, các ngành này có phổ điểm nằm ở phân khúc trung cao so với mặt bằng chung, kể cả những chương trình được xét tuyển năm đầu tiên. Đáng chú ý, ngành Công nghệ Tài chính, Công nghệ Marketing có điểm chuẩn rất cao, lần lượt là 26,6 và 27 điểm.

Ở khối các trường ngoài công lập, điểm chuẩn các ngành dao động từ 15-21 điểm; riêng các ngành đào tạo sức khỏe có mức điểm chuẩn cao hơn, 21-23 điểm. Như trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) điểm chuẩn dao động 16-21 điểm, trong đó Công nghệ thông tin, Dược học có điểm chuẩn cao nhất. Phần lớn các ngành đào tạo của trường có điểm chuẩn ở mức 16-17 điểm.

Còn tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành, ngành Y đa khoa có điểm chuẩn cao nhất, 23 điểm; tiếp đó, Dược học 21 điểm, ngành Giáo dục mầm non là 20 điểm; các ngành thuốc nhóm ngành sức khỏe khác có mức điểm là 19 điểm. Các ngành học còn lại của trường có cùng mức điểm chuẩn là 15 điểm.

Điểm chuẩn của các chương trình đại trà thuộc trường Đại học Gia Định từ 15 đến 16,5 điểm, tăng từ 0,75 đến 1,5 điểm, tùy ngành. Riêng 3 chương trình đào tạo tài năng có điểm chuẩn 18 điểm…

Theo quy định, từ ngày 24/8-8/9 thí sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường lưu ý, nếu không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, kết quả trúng tuyển sẽ bị hủy./

Theo PV/ngaynay.vn

Print Friendly, PDF & Email