Các ngân hàng thương mại và chuyên gia kinh tế đều cho rằng khó khả thi với đề xuất các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 250.000 tỉ đồng với lãi suất 0% trong 3 năm
Một trong những đề xuất, kiến nghị giải pháp để các doanh nghiệp (DN) vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19 được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đưa ra mới đây là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động.
Không phải tiền từ ngân sách
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, khó khăn lớn nhất đối với các DN và hộ kinh doanh là dòng tiền, tính thanh khoản. Do đó, bên cạnh triển khai Thông tư 01 của NHNN về xem xét giãn, hoãn nợ, giảm lãi vay, không chuyển nhóm nợ…, các tổ chức tín dụng cũng triển khai hàng loạt gói tín dụng khoảng 285.000 tỉ đồng (tăng so với mức đăng ký ban đầu là 250.000 tỉ đồng) lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5%-2,5%/năm.
Chiều 8-4, một lãnh đạo cấp vụ thuộc NHNN cho biết đến nay, gói tín dụng này đã giải ngân được trên 100.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn biểu lãi suất thông thường, tùy thuộc vào từng NH thương mại và từng đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng khẳng định, đây không phải là gói tín dụng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà do các NH thương mại tự đăng ký dựa trên cung cầu vốn của mình. Do đó, cho vay ưu đãi 0% lãi suất là không thể vì NH thương mại phải huy động vốn từ dân cư, trả lãi tiền gửi…
Theo ghi nhận, đến nay hàng loạt NH thương mại đã công bố các gói tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ khách hàng cá nhân và DN. NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) vừa công bố gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỉ đồng với mục đích hỗ trợ khách hàng bổ sung vốn để chi trả lương cho cán bộ công nhân viên, lãi suất cho vay ưu đãi từ 7,8%/năm, giá trị được vay lên tới 100% giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản và được vay thêm không tài sản bảo đảm lên đến 10 tỉ đồng. NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp tục sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ khó khăn bởi dịch Covid-19, lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm đối với khoản vay dưới 6 tháng và từ 7%/năm đối với khoản vay từ 6-12 tháng…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều NH thương mại cho biết các gói tín dụng ưu đãi (đăng ký tham gia gói tín dụng 285.000 tỉ đồng do NHNN công bố) có lãi suất thấp hơn từ 0,5%-4,5%/năm so với biểu lãi suất chung, nhưng không thể có mức lãi suất 0% vì nguồn tiền không từ ngân sách. Đây thực chất là số vốn do nhiều NH thương mại đăng ký với NHNN nhằm hưởng ứng chủ trương hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Không sòng phẳng giữa các doanh nghiệp
Mức lãi suất cho vay thấp nhất được ghi nhận đến thời điểm này từ các NH thương mại là khoảng 4,5%/năm, bằng với lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng. Lãnh đạo một NH thương mại phân tích, để có được nguồn vốn cho vay ưu đãi, mỗi NH phải huy động vốn từ dân cư, tổ chức và phải chi trả cho người gửi tiền lãi suất bình quân 5%-6%/năm. Nay nếu cho vay với lãi suất dưới 7%-8%/năm là NH đã bị lỗ, nhưng do DN gặp khó khăn vì Covid-19 nên mỗi NH đều phải giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí hoạt động để triển khai các gói tín dụng hỗ trợ.
“Do đó, với đề xuất và kiến nghị được vay lãi suất 0% trong thời gian 3 năm từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để các tập đoàn, tổng công ty vượt qua khó khăn là không khả thi. Bởi lẽ với lãi suất 0%, NH thương mại lấy tiền từ đâu để trả lãi người gửi tiền, bù đắp chi phí hoạt động?” – vị lãnh đạo NH này băn khoăn.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng 285.000 tỉ đồng là gói tín dụng được các NH thương mại đăng ký cho vay với lãi suất thấp hơn thị trường từ 1%-2,5%/năm và bất kỳ DN nào chịu tác động bởi dịch Covid-19 cũng đều có thể tiếp cận, được hỗ trợ, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước làm đại diện phần vốn nhà nước. Nhưng đề xuất DN được vay với lãi suất 0% là không có cơ sở và không phù hợp.
Thực tế, hiện lãi suất cho vay đang xuống thấp. Trước đây, cho vay bình quân khoảng 7%/năm thì giờ đã có NH thương mại chào vay chỉ khoảng 4,5%/năm, cao hơn một chút so với mức kỳ vọng lạm phát và đã tương đương với lãi suất tái cấp vốn của NHNN (dùng để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng). Do đó, đề xuất mức lãi suất thấp hơn nữa là rất khó.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần khác tại TP HCM nhìn nhận nếu chỉ cứu các tập đoàn, tổng công ty qua đề xuất được vay 0% lãi suất, trong khi các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng đang phải ngừng hoạt động, rời thị trường vì dịch Covid-19 thì không sòng phẳng.